Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần nâng cao tuyên truyền về an toàn đường sắt

12:04' - 26/05/2018
BNEWS Bên cạnh đầu tư nguồn lực nâng cấp hạ tầng giao thông thì giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn phải là tăng cường hoạt động tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Tại nạn đường sắt có xu thế gia tăng với nhiều vụ nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương. Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Những vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian gần đây, đặc biệt qua vụ tai nạn giao thông đường nghiệm trọng xảy ra ngày 24/5 vừa qua tại Thanh Hóa theo ông đâu là nguyên nhân chính?

Đại biểu Dương Minh Tuấn: Tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Các điểm giao cắt không có gác chắn thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông hơn. Tuy nhiên, vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày 24/5 xảy ra tại đường giao cắt có người gác chắn (có barier), điều này cần phải xem xét toàn diện hơn. Nguyên nhân của vụ tai nạn trên như thế nào đang được cơ quan điều tra công an làm rõ.

Qua những vụ việc trên cho ta thấy, không chỉ riêng ngành đường sắt, các đối tượng tham gia giao thông, trong đó có giao thông đường bộ cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định pháp luật.

Chẳng hạn như khi người tham gia giao thông khi đi qua điểm giao cắt với đường sắt thì cũng phải thực hiện quan sát đảm bảo đủ điều kiện an toàn thì mới lưu thông. Cũng không thể mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của ngành đường sắt, kể cả điểm giao cắt đó có gác chắn hay chưa có gác chắn.

Các vụ tai nạn giao thông đường sắt thường rất nghiêm trọng, tôi cho rằng nguyên nhân chính của những vụ tai nạn trên vẫn là ý thức người tham gia giao thông.

Đầu tàu đứt khỏi toa trong vụ tai nạn giao thông đường nghiệm trọng xảy ra ngày 24/5 . Ảnh: Duy Hùng - TTXVN

Phóng viên: Theo ông giải pháp nào để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đường sắt đáng tiếc xảy ra?

Đại biểu Dương Minh Tuấn: Tôi cho rằng, mấu chốt vẫn phải tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Đồng thời, với việc này là phải có giải pháp hạn chế, tiến tới triệt tiêu được các điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó, nhà nước cần cung cấp nguồn lực để ngành đường sắt đầu tư thêm các tín hiệu nhận dạng tại các nơi tàu hỏa đi qua theo hướng hiện đại hơn. Điều này nhằm đảm bảo cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện ô tô tham gia giao thông cả ban ngày và ban đêm dễ nhận biết để xử lý mọi tình huống.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng còn một số địa phương, nơi có đường sắt đi qua chưa có sự phối hợp tốt với ngành đường sắt trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Dương Minh Tuấn: Tại mỗi địa phương đều có Ban An toàn giao thông thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông trên các lĩnh vực; trong đó, có an toàn giao thông đường sắt.

Tuy nhiên tôi cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực nâng cấp hạ tầng giao thông thì giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn phải là tăng cường hoạt động tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông. Ở khía cạnh này thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất cao.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các công ty quản lý đường sắt khu vực với chính quyền địa phương để làm sao đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ. Đặc biệt, là sự phối kết hợp xử lý các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Về trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nơi có đường sắt đi qua trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt không chỉ đã được quy định trong Luật Đường sắt. Tại các buổi giao ban trực tuyến về an toàn giao thông Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng luôn nhắc nhở người đứng đầu các địa phương về trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn giao thông; trong đó, có bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

Cùng đó, Chính phủ cũng đã đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông là một tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng tại các địa phương. Tôi cho rằng, về trách nhiệm của ngành đường sắt phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta đang thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chúng ta phải thay đổi toàn diện đối với ngành đường sắt để làm sao cho tốc độ chạy tàu nhanh hơn.

Trong thời gian chưa có nguồn nhân lực để đầu tư phương tiện thì ngành đường sắt cần cải cách cung cách phụ vụ trên tàu cũng như các vấn đề liên quan đến quy trình chạy tàu cần có sự thay đổi. Riêng quy trình chạy tàu cần phải được cải cách hơn nữa cần áp dụng công nghệ thông tin cho công tác điều hành chạy tàu đảm bảo hạn chế tối đa những sai sót do lỗi của con người.

Mặc dù, hiện tại quy trình chạy tàu cũng rất chặt chẽ tuy nhiên, công tác nhân lực vẫn là quan trọng nhất. Ngành đường sắt cần đào tạo lại, đào tạo mới, làm sao có những chính sách để khuyến khích người lao động nhận thức được vấn đề an toàn giao thông đường sắt ở mức cao nhất./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

>>> Những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục