Giám đốc ITC của Liên hợp quốc cảnh báo bất ổn từ chính sách thuế quan của Mỹ

20:24' - 08/07/2025
BNEWS Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, quyết định của Mỹ về gia hạn đàm phán thuế quan có thể kéo dài tình trạng bất ổn và khó lường cho các nước trên thế giới.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia hạn quá trình đàm phán thuế quan có thể kéo dài tình trạng bất ổn và khó lường cho các quốc gia trên thế giới. Cảnh báo trên được bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ).

Theo bà Pamela Coke-Hamilton, động thái này của Mỹ có thể kéo dài thời kỳ bất ổn, làm suy yếu các hợp đồng đầu tư và kinh doanh dài hạn, đồng thời tạo thêm bất ổn và bất định. Bà nhấn mạnh: "Nếu một doanh nghiệp không rõ ràng về chi phí mà họ sẽ phải trả, họ không thể lập kế hoạch, họ không thể quyết định ai sẽ đầu tư". Bà dẫn chứng trường hợp của Lesotho - nơi các công ty xuất khẩu dệt may lớn đã tạm ngừng đầu tư trong khi chờ đợi kết quả thuế quan. Bà cũng cho biết thêm, sự không chắc chắn này, kết hợp với việc cắt giảm sâu viện trợ phát triển, đã tạo ra “cú sốc kép” cho các nước đang phát triển.

 

Ngày 7/7,  Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ít nhất 14 quốc gia, từ các đồng minh của nước này là Nhật Bản và Hàn Quốc đến các đối tác thương mại nhỏ hơn sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu từ 1/8, thay vì ngày 9/7 khi thời hạn tạm hoãn áp thuế quan 90 ngày hiện nay kết thúc.

Theo các nguồn thạo tin, Liên minh châu Âu sẽ không nhận thư từ phía Mỹ đề cập đến việc áp thuế mới. Thay vào đó, EU đang xem xét các khả năng xin miễn trừ hoặc có các thoả thuận nhằm giảm thiểu tác động của mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu của họ.

Một số nguồn tin cho biết EU gần như đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ, có thể bao gồm các nhượng bộ nhỏ về thuế suất 10% đối với máy bay, thiết bị y tế, đồ uống có cồn và một số ô tô. Đặc biệt, EU cũng đang xem xét cho phép các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đặc biệt từ Đức, nhập khẩu nhiều xe hơn với mức thuế dưới 25%.

EU hiện phải đối mặt với các mức thuế nhập khẩu của Mỹ gồm 50% đối với thép và nhôm, 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như mức thuế 10% đối với các mặt hàng khác. Mỹ còn đang xem xét áp thêm các thuế mới đối với dược phẩm và chất bán dẫn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil tuyên bố các biện pháp kinh tế và tài khóa do Chính phủ Đức, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Friedrich Merz, đã tác động tích cực đến tâm lý kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, ông Klingbeil cũng cảnh báo cứng rắn nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng với Mỹ, EU sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó.       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục