Bên lề Quốc hội: Cân đối nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

12:51' - 08/11/2021
BNEWS Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu về những nội dung quan trọng mà Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt này.

Ngày 8/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV… Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu về những nội dung quan trọng mà Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt này.

*Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý

Đại biểu Trịnh Xuân An trả lời phỏng vấn bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Trong khi Ngân sách Nhà nước đang căng chi cho chống dịch, tôi đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Nếu cần thiết, tăng sản lượng khai thác dầu thô do giá dầu thế giới đang tăng; đồng thời, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thất thoát ngân sách, tài sản công, tiết kiệm các khoản chi; tiết kiệm ngay từ khi lập dự toán; trong lúc này đang phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. 

Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực, sau khi người dân ổn định kinh tế thì thay ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhất là các địa phương trọng điểm như: Đồng Nai. Nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; đồng thời, có các chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động. Các địa phương cần thu hút lực lượng lao động trở lại một cách an toàn, không để tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo thì lại nuôi người nghèo.

Cùng với đó, Chính phủ cần có các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế nhưng sự quan tâm đối với doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa đủ, mặt bằng lãi suất cho các doanh nghiệp vay cũng đã giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn còn cao chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; đặc biệt doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vẫn còn khó khăn.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cần các biện pháp mạnh để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Mục tiêu về kinh tế năm 2022, Chính phủ đặt ra là từ 6 - 6,5%. Tôi cho rằng, đây là mục tiêu khá cao so với bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, Chỉnh phủ đặt ra mục tiêu đó cũng phù hợp, cần thiết. Bởi lẽ, thứ nhất, mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đặt ra từ 6,5-7% thì không có lý do gì trong 1 năm, chúng ta đặt mục tiêu thấp hơn nhiều mục tiêu phấn đấu của cả nhiệm kỳ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng từng năm một để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, nền tăng trưởng kinh tế của năm 2021 là khá thấp. Dự báo, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 3%, với nền thấp như vậy thì năm 2022, tốc độ tăng trưởng so với 2021 phải đặt cao hơn 6 - 6,5%, sẽ dễ hơn so với những năm mà nền tăng trưởng của năm trước cao.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta kiểm soát dịch một cách ổn định, không tạo ra các biện pháp như: phải cách ly, dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng thì các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi nhanh trở lại. Như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được những thế mạnh của nền kinh tế và khả năng đạt được mục tiêu như kế hoạch đặt ra.

Tất nhiên, chúng ta cũng cần có các chính sách, biện pháp mạnh để tăng các nguồn lực cho các doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế như hỗ trợ các nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp như là tăng đầu tư công để tăng thêm cầu cho nền kinh tế.

*Đại biểu Trần Thanh Hương (Đoàn An Giang): Nông nghiệp muốn sản xuất lớn cần chính sách lớn

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt trước tác động của dịch bệnh COVID-19. Từ đầu năm, giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng cao. Riêng giá phân bón trong nước và nhập khẩu trung bình tăng từ 60 - 80%, dự báo còn tiếp tục tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao. 

Trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, giá các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất. Đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tôi, Chính phủ cần quan tâm hạ giá phân bón, bình ổn giá vật tư, đầu vào sản xuất nông nghiệp một cách căn cơ, từ đó giải quyết vấn đề khó khăn của người nông dân cũng như bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Cũng liên quan đến đầu vào nông nghiệp, đất đai được coi là yếu tố quan trọng; trong đó, tập trung đất đai được coi là điểm xuất phát cho việc sản xuất hàng hoá quy mô lớn bên cạnh đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại, đất đai đang phân tán, manh mún gây ra hạn chế khó khăn, bất cập trong phát triển nông nghiệp, không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang nói riêng chỉ có 26% hộ có 0,5 - 2 ha, trong khi đó tới 63% hộ có đất nhỏ hơn 0,5%, ngoài ra có rất nhiều hộ sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ, rải rác.

Trong khi đó muốn sản xuất lớn cần chính sách lớn. Thời gian tới, tôi cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai, chính sách tích tụ ruộng đất để chuyển sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách đưa liên kết vùng trở thành khâu đột phá để phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi ngành hàng, gắn thành vùng sản xuất lớn.

*Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Thách thức đối với cung cầu lao động

Đại biểu Phan Đức Hiếu. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua tạo ra thách thức rất lớn trong việc phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới; trong đó, có thách thức về nới lỏng chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hoá, đặc biệt là cung cầu nguồn nhân lực. 

Thực tế tỷ lệ người thất nghiệp tăng lên, số người mất việc làm tăng lên, cơ hội để tìm kiếm việc làm thì khó; trong khi đó, nguồn cầu lao động tại các doanh nghiệp thì thiếu. Theo một số khảo sát tại khu công nghiệp tại khu vực phía Nam, nhu cầu lao động tăng hơn 30%.

Giải pháp về vấn đề này là bài toán khó, buộc phải có giải pháp lâu dài. Trước mắt, một số địa phương có kế hoạch đưa lao động trở lại làm việc. Song, để đáp ứng cung cầu lao động trong thời gian tới, tôi cho rằng, quan trọng là có sự thống nhất, phối hợp giữa các địa phương về thông tin, cách thức thực hiện, thậm chí có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, Trung ương để có chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong dài hạn, vấn đề lao động không chỉ giải quyết câu chuyện cung cầu mà phải nhận thức đây là nguồn lực quan trọng, cần có môi trường, hệ sinh thái đồng bộ với các yếu tố liên quan đến chế độ chính sách, bảo hiểm, nơi ở… để người lao động yên tâm lao động và sản xuất.

Đây cũng là cơ chế, chính sách tương xứng với trò của giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tôi, nguồn lực về lao động còn quan trọng hơn các nguồn lực khác như khoa học công nghệ trong việc phát triển kinh tế. Bởi, có con người đủ năng lực thì mới áp dụng, thực thi được khoa học công nghệ, lúc này mới đẩy mạnh được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục