Bên lề Quốc hội: Chờ lời giải từ các tư lệnh ngành

11:40' - 07/06/2022
BNEWS Từ chiều 7 – 9/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải.

Phóng viên TTXVN ghi nhận một số nội dung các đại biểu, cử tri mong muốn tư lệnh ngành làm rõ tại các phiên chất vấn này.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre): Phải giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng 

Tôi quan tâm đến các nội dung chính sách tài khóa – tiền tệ và làm thế nào để dòng vốn vào nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, thu nhập cho người dân cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng hiện nay.

Qua 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng mạnh và doanh nghiệp vẫn cần thêm vốn để đầu tư dự án mới, vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng khó khăn trong việc tiếp cận do các tổ chức tín dụng đang hết giới hạn cho vay (room) hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hiệu quả vừa kiềm chế lạm phát vừa cân bằng, hài hòa nguồn lực, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại địa phương, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu khó tiếp cận nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, sản phẩm sơ chế xuất khẩu, trong khi nhu cầu vốn rất lớn giúp duy trì và tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng): Chống thất thu thuế trong giao dịch bất động sản

Đại biểu và cử tri cả nước đang kỳ vọng vào phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp căn cơ nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng về chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Trong giao dịch bất động sản có tình trạng giá giao dịch là 1, nhưng ra thị trường lại là 10, gây ra sự “đuổi bắt” giữa cơ quan quản lý và chủ thể để rồi đi đến tự thỏa thuận, phát sinh tiêu cực trong thu nộp thuế. Tình trạng này cũng có thể làm tăng hồ sơ tồn đọng, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương có hạ tầng chuẩn bị hình thành trong tương lai khi giá đất tăng cao.

Đây là lỗ hổng về chính sách, pháp luật và Kỳ họp này có tháo gỡ được điểm nghẽn đó không là điều các đại biểu và cử tri quan tâm.

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý thuế cũng phải tăng cường hậu kiểm để phát hiện tiêu cực của cán bộ quản lý thuế, từ đó tránh việc thống nhất và tự thỏa thuận với chủ thể do nóng vội thời gian, rút ngắn quy trình nhằm nhanh chóng đạt được mong muốn phân lô, bán nền.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội): Kế hoạch triển khai các dự án giao thông phải cụ thể

Vấn đề giao thông sẽ được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải trình luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu và cử tri. Chính phủ và Quốc hội đang tập trung đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai quanh Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và giúp cải thiện đời sống nhân dân.

Do là vấn đề lớn liên quan đến phát triển đất nước và quyền lợi của người dân nên cần sử dụng nguồn lực ngân sách rất lớn. Hiện nay, cử tri rất quan tâm đến chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là kế hoạch triển khai các dự án cụ thể như thế nào.

Về vấn đề tài chính, ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ kép, vừa ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện sức ép lạm phát, vừa phải thực hiện biện pháp để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Hai chính sách này dường như trái ngược nhau nên cần sự kết hợp hài hòa và linh hoạt. Bởi tăng trưởng của nền kinh tế gắn với công ăn việc làm, thu nhập, trong khi lạm phát lại ảnh hưởng giá cả, thị trường và đời sống người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục