Bên lề Quốc hội: Đảm bảo tính minh bạch cho thị trường chứng khoán

14:53' - 22/10/2019
BNEWS Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này có điểm sửa đổi ý nghĩa nhất là liên quan tăng cường vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngày 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu quốc hội về vấn đề này.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội): Chưa đề cập đến trách nhiệm của công ty kiểm toán

Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này có điểm sửa đổi ý nghĩa nhất là liên quan tăng cường vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Mặc dù Ủy ban này đang đặt tại Bộ Tài chính, nhưng với cách quy định vai trò trách nhiệm hiện nay, Bộ Tài chính là trụ sở để Ủy ban chứng khoán hoạt động. Còn thực chất, rất nhiều quyền hạn của Ủy ban không nằm trong điều hành của Bộ Tài chính mà do Chính phủ quy định bao quát trực tiếp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đòi hỏi tính công khai, minh bạch lớn trong khi hàng hóa chứng khoán phụ thuộc chủ yếu vào kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo của kiểm toán và sự trung thực của công ty đại chúng.

Trong dự thảo Luật, đã có quy định xử lý rất nặng công ty đại chúng hoặc hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán không minh bạch để tạo ra những cơ hội kiếm lời. Tôi cho rằng đó là biện pháp rất tốt. Nhưng cần phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của công ty kiểm toán, bởi khi đưa ra báo cáo về cáo bạch mà kiểm soát không chặt chẽ, khách hàng tin vào công bố của kiểm toán thì công ty kiểm toán phải tăng cường hơn. Nhưng điều này lại chưa được dự thảo luật đề cập đến.

Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được tăng cường, nhưng trách nhiệm đến đâu, nếu như hành vi giao dịch trên thị trường không minh bạch hoặc có vấn đề ngờ vực, Ủy ban không xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả rất lớn. Tuy vậy, trách nhiệm Ủy ban ra sao thì đến nay Luật cũng chưa quy định.

Tôi cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung thêm xử lý trách nhiệm đối với đơn vị kiểm toán độc lập nếu để sai sót trong báo cáo kiểm toán và cáo bạch của công ty đại chúng.

Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm toán nhà nước nếu không phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề không minh bạch trên thị trường. Mặt khác, cần nâng hình thức xử lý đã được thực hiện trong dự thảo này với hành vi gian lận trên thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là xử lý với công ty chứng khoán, người giao dịch chứng khoán và công ty đại chúng. Còn đơn vị có chức năng kiểm soát thì lại chưa được quy định trong dự thảo luật.

Hiện tại, có hai đơn vị có vai trò kiểm soát là kiểm toán độc lập, khi kiểm toán cáo bạch phải bảo đảm tính chính xác, trung thực. Nếu đơn vị kiểm toán độc lập có sai sót thì không phải chỉ chịu trách nhiệm như công ty kiểm toán thông thường mà phải xử lý trách nhiệm cao hơn các hoạt động kiểm toán thông thường khác.

Cũng như, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải quản lý các hoạt động bảo đảm tính minh bạch trên thị trường. Nếu không phát hiện kịp thời các yếu tố không minh bạch, gian lận thì trách nhiệm của Ủy ban phải được quy định rõ hơn.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Kỳ vọng sớm cụ thể hoá

Sau một quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh. Đây là điểm rất thành công nên dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này cần khẳng định việc hỗ trợ cho tái cơ cấu thành công hơn nữa.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) ban hành nhiều điều khoản để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và tăng quyền hạn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng như làm rõ mô hình hoạt động của các thành viên trong Sở Giao dịch chứng khoán, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư chứng khoán.

Cùng đó là các bước tiếp cận quy định của các tổ chức trên thế giới nên sẽ thúc đẩy cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính hiện nay đang thực hiện tiến độ rất tốt, với mô hình hiện đại bởi vốn hoá thị trường chứng khoán đến thời điểm này lên đến trên 500 triệu tỷ đồng.

Hơn nữa, hiện nay có tới 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 30.000 tài khoản nhưng đang nắm giữ khoảng 25%, tương đương 35 tỷ USD.

Điều này đòi hỏi Việt Nam cẩn thận trọng hơn trong việc tổ chức thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vì vậy, nên xem xét quy định các nội dung đã được Thủ tướng quy định trong Quyết định 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1/2019 về phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Tôi rất mong Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được hình thành dưới hình thức công ty mẹ con và hoạt động theo hình thức 100% vốn ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, tại Điều 29 dự thảo luật quy định, việc chào bán chứng khoán riêng lẻ (gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thì thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Đáng lưu ý, các công ty không đại chúng này thoạt đầu nghĩ rằng vốn nhỏ nhưng thực tế không phải. Có những công ty rất lớn chỉ vì số lượng nhà đầu tư nhỏ nên không được gọi là công ty đại chúng.

Điều này đang là một khoảng trống trên thị trường mà luật pháp chưa quản lý và dẫn đến việc lừa đảo trong phát hành cổ phiếu và trái phiếu của các công ty không đại chúng.

Riêng các công ty đại chúng đã được quy định trong Luật Chứng khoán và được Uỷ ban Chứng khoán quản lý.

Do đó, cần có sự cân nhắc ở Điều 29 bởi nếu đưa vào trong Luật việc phát hành chứng khoán của các công ty không đại chúng thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải quản lý. Thời gian qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không quản lý vấn đề này.

Vì vậy, nếu trao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quản lý các công ty không đại chúng thì phải đưa vào trong Luật Chứng khoán.

Còn trong trường hợp Uỷ ban Chứng khoán từ chối quản lý thì sẽ nằm ở Luật Dân sự chứ không được quy định trong Luật Chứng khoán.

Để Luật Chứng khoán đi vào cuộc sống thì vấn đề cốt lõi là khi Luật được Quốc hội thông qua thì các quy định hướng dẫn phải được Chính phủ sớm ban hành cụ thể hoá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục