Bên lề Quốc hội: Đảm bảo tính nghiêm minh trong hiệu lực kiểm toán

10:48' - 01/04/2021
BNEWS Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu xung quanh Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016- 2021 của Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thảo luận sáng 1/4.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; khắc phục những hạn chế, tồn tại để khẳng định vai trò quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đây là những nội dung được quan tâm trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 1/4 về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016- 2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu xung quanh vấn đề này. 

Đại biểu Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh): Xử lý kiến nghị về tài chính, kinh tế tăng 3,5 lần

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số lượng các kiến nghị về tài chính, kinh tế được xử lý với hơn 353 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; trong đó, kiến nghị thu hồi 237 nghìn tỷ đồng, đạt 73,6%. Con số này ghi nhận nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, trong các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thì tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp. 

Trên thực tế, trong số 786 văn bản kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì chỉ có 136 văn bản được các cơ quan tiếp thu, xử lý. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nên chăng Kiểm toán Nhà nước có thể phân loại cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật theo tỷ lệ cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, thay vì gộp thành con số gần 800 văn bản như đã nêu trên.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tỷ lệ thay đổi kiến nghị kiểm toán chỉ đạt 20%

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Kết quả Kiểm toán Nhà nước đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua khá ấn tượng, đặc biệt nhờ vào những kết quả của báo cáo Kiểm toán Nhà nước mà nhiều vấn đề trong quản lý tài chính, tài sản công được tốt hơn. Một số hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động thảo luận của Chính phủ về báo cáo tài chính hàng năm đều phải dựa trên cơ sở thông tin của báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Nhiều vụ việc được đưa ra thảo luận tại hội trường rất sôi nổi, dựa trên những số liệu của Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra những vấn đề liên quan đến thất thoát, yếu tố gây tham những trong lĩnh vực tài chính và tài sản công.

Hiện nay, tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán về mặt tài chính chiếm trên 70%, nhưng tỷ lệ thực hiện thay đổi kiến nghị kiểm toán chỉ đạt 20%. Theo tôi, Kiểm toán Nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để bảo đảm tính nghiêm minh về mặt hiệu lực kiểm toán và xem xét tại sao vẫn có một tỷ trọng không thực hiện như đã nêu trên. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có phải do kết luận của kiểm toán chưa chính xác nên vẫn còn tình trạng các đối tượng không chấp hành hay do kết luận đúng, nhưng hiệu lực thực thi không được triển khai.

Đồng thời, thực tế cho thấy vẫn có tình trạng báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan Trung ương cũng như báo cáo quyết toán của các địa phương chưa được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước nên xem xét thay đổi phương thức kiểm toán. Có thể tính đến phương án sử dụng những cơ quan kiểm toán độc lập và kiểm soát hoạt động của họ, giao cho họ tham gia thực hiện nhiệm vụ cùng với Kiểm toán Nhà nước để hoàn thành 100% nhiệm vụ kiểm toán hàng năm, giúp cho việc kiểm soát về tài chính, tài sản công một cách chặt chẽ.

Về vấn đề công khai báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện đúng luật. Thực tế đã có quy định phải công khai báo cáo sau kiểm toán cho mọi đối tượng đều biết, nhưng việc tiếp cận các báo cáo này hiện rất khó khăn.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Đoàn Kiên Giang): Không để tình trạng “treo” kết luận kiểm toán

Trong kiểm tra tài chính, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước còn chậm trễ trong việc kiểm tra các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm trong kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ việc chuyển sang cơ quan điều tra, xét xử bao nhiêu vụ việc; chủ động chuyển hồ sơ hay cơ quan điều tra đề nghị phối hợp thực hiện mới chuyển… Qua đó, chúng ta sẽ thấy được trách nhiệm và tính chiến đấu của các kiểm toán viên như thế nào.

Đối với những kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian dài không được triển khai thì cần quyết liệt xử lý, không để tình trạng “treo” kết luận kéo dài. Nếu kết luận kiểm toán chưa đúng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa và ngược lại phải kiên quyết xử lý dứt điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục