Bên lề Quốc hội: Luật Quy hoạch cần sát với tình hình thực tế của từng địa phương

16:48' - 30/05/2022
BNEWS Một số quy định của Luật chưa phù hợp, chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau; như một số vấn đề về thời điểm quy hoạch, quy hoạch tầng bậc trên dưới, cần Chính phủ nghiên cứu ra quy định cụ thể.

Ngày 30/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Xung quanh nội dung này đã có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Luật Quy hoạch còn chưa rõ ràng, thực hiện chưa đồng bộ hay Luật Quy hoạch cần sát với tình hình thực tế của từng địa phương…

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội): Quy định chưa rõ ràng, thực hiện chưa đồng bộ

Qua giám sát cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, một số quy định của Luật chưa phù hợp, chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau. Đơn cử như một số vấn đề về thời điểm quy hoạch, quy hoạch tầng bậc trên dưới, cần Chính phủ nghiên cứu quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, việc phối hợp giữa trên dưới, dọc ngang giữa bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập. Ví dụ với hệ thống điều tra số liệu, phổ biến nội dung quy hoạch các cấp đang làm chưa được tốt nên quy hoạch khó khả thi.

Riêng đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện 2 loại quy hoạch gồm: quy hoạch tỉnh/thành phố thực hiện theo Luật Quy hoạch, quy hoạch chung xây dựng tỉnh/thành phố theo Luật Quy hoạch đô thị. Trong khi đó, hai quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp nên cần nghiên cứu giảm bớt, tránh lãng phí.

Thực tế, quy hoạch tỉnh phụ thuộc vào quy hoạch cấp quốc gia mà quy hoạch cấp quốc gia chưa có nên quy hoạch tỉnh gặp khó, đồng thời đang thực hiện dựa trên rà soát và phương pháp cũ. Phương pháp này tích hợp theo quy hoạch sẵn có và đưa ra tầm nhìn, định hướng cho các tỉnh trên cơ sở định hướng Nghị quyết Đảng bộ địa phương, Nghị quyết về Phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Việc này có thể dẫn tới tình trạng quy hoạch chậm trễ, quy hoạch treo, quy hoạch chồng lần. Thời gian tới, cần quy định các loại quy hoạch nào tích hợp, thời điểm nào thực thi, cái gì có trước và có sau để tổ chức thực hiện. Bởi chưa có quy định cụ thể về các nội dung này mà bấm nút song song quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ gây khó khăn về nguồn lực tư vấn, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu xây dựng hệ thống dữ liệu đầu vào chuẩn xác thì cơ bản mới xoá được tình trạng quy hoạch thiếu tính khả thi hiện nay. Bởi quy hoạch là dự báo, nếu đầu vào mà không chính xác sẽ phải chỉnh sửa nhiều nên dữ liệu đầu vào rất quan trọng.

 

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa): Cần có quy hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương

Hiện nay, công tác quy hoạch ở một số địa phương còn chưa tốt. Ví dụ như: trong lĩnh vực nông nghiệp; một số địa phương đang trồng một số loại cây mà lúc đầu cho rằng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên là trên thực tế, việc quy hoạch chưa tốt đã dẫn đến sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ.

Hiện, rất nhiều địa phương làm theo kiểu phong trào. Dẫn đến tình trạng trồng rồi chặt dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Để mặt hàng nông sản của nông dân có đầu ra hiệu quả, tôi cho rằng Chính phủ cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hiện nay, chúng ta đang bàn về quy hoạch, quy hoạch chung của cả nước mà trên cơ sở đó quy hoạch của các địa phương thực hiện còn rất chậm.

Do đó, tôi kiến nghị các địa phương, cơ quan quản lý cần sát sao hơn. Cụ thể là quy hoạch ngành nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu để các địa phương xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó là cần xây dựng một chiến lược, cụ thể đối với từng tỉnh, từng địa phương và cả đối với từng ngành.

Từ đó, các địa phương sẽ xây dựng chiến lược và sát với tình hình thực tế; có phương án tổ chức sản xuất cho người nông dân nhằm đảm bảo thu nhập; tránh tình trạng các địa phương thực hiện theo kiểu phong trào như hiện nay; đồng thời, tổ chức sản xuất cho nông dân, gắn với việc tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo đầu ra cũng như hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

* Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Câu chuyện quả trứng và con gà

Luật Quy hoạch sửa đổi đã khắc phục được một số bất cập, khó khăn, tồn tại. Tuy nhiên, qua giám sát, các địa phương thực hiện Luật Quy hoạch còn cho thấy nhiều vướng mắc, tình trạng quy hoạch treo vẫn còn tồn tại. Cùng với đó, việc thực hiện quy hoạch nhưng các địa phương không công bố cũng còn tồn tại. Ví dụ như: xây dựng chung cư, nhà ở trên đất chưa được quy hoạch hoặc xây dựng khu đô thị trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi sang đất ở nông thôn, đô thị…

Đặc biệt, trong thời gian qua người dân còn phàn nàn nhiều đến công tác quy hoạch. Tôi cảm thấy, việc quy hoạch ở các địa phương còn chưa được rốt ráo, chưa được đến nơi đến chốn; đặc biệt, từ quy hoạch quốc gia, vùng, cấp tỉnh hoặc quy hoạch ngành.

Do đó, nảy sinh ra vấn đề quả trứng và con gà; quy hoạch nào trước, quy hoạch tỉnh có trước mà chưa quy hoạch quốc gia, vùng thì điều chỉnh làm sao? Có điều chỉnh quy hoạch vùng mà chưa có điều chỉnh quy hoạch tỉnh thì sẽ phải quy hoạch thế nào? Quy hoạch nào làm trước và quy hoạch nào làm sau?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục