Bên lề Quốc hội: Nhiều vấn đề thiết thực đời sống nhân dân sẽ được giải đáp tại phiên chất vấn

13:22' - 03/06/2024
BNEWS Tại hành lang Quốc hội, các đại biểu kỳ vọng những vấn đề liên quan đến đời sống người dân được cử tri quan tâm sẽ nhanh chóng được quan tâm giải quyết sớm.

Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc (từ ngày 4/6) để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Có 4 nhóm vấn đề được đưa ra thuộc các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa - thể thao và du lịch. Đây là 4 nhóm vấn đề quan trọng nhất trong các nhóm vấn đề chung trong cả nước và sẽ thu hút sự quan tâm của đồng bào, cử tri cả nước. Tại hành lang Quốc hội, các đại biểu chung nhận xét, những vấn đề liên quan đến đời sống người dân được cử tri quan tâm thì sẽ được đại biểu đưa vào Nghị trường kỳ này và kỳ vọng cả 4 nhóm vấn cấp bách nhanh chóng được quan tâm giải quyết sớm.

* Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn Đồng Tháp: Môi trường và xâm nhập mặn cần được quan tâm và có giải pháp

Tôi quan tâm nhiều nhất là lĩnh vực tài nguyên và môi trường, sự suy thoái nguồn tài nguyên hiện nay cũng như việc khai thác triệt để, vô tội vạ tài nguyên biển, sông, khoáng sản… Thực trạng này dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây hệ luỵ lớn đến hệ sinh thái biển.…

 

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán thời gian qua ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, những tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, người dân phải sử dụng nước biển pha với nước ngọt để sinh hoạt cho gia đình. Hàng ngày, hàng ngàn chuyến xe các tỉnh miền Tây phải cứu trợ nước ngọt cho bà con. Vấn đề hạn chế xâm nhập mặn và trữ nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung là những nội dung cần đươcj quan tâm đặc biệt trong phiên chất vẫn, nhất là trong bối cảnh điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi phức tạp hiện nay.

Cùng đó, các vấn đề liên quan đến công tác kiểm toán cũng rất quan trọng. Tổng kiểm toán do Quốc hội phê chuẩn và có quyền kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng trong thời gian qua, theo báo cáo, kiểm toán đã thể hiện hết tinh thần trách nhiệm. Sau khi kiểm toán có kết luận đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những tiêu cực, tồn tại, đặc biệt xử lý về mặt hình sự với những đối tượng được kiểm toán.

Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp người dân phản ánh, cơ quan kiểm toán, kiểm toán viên còn có sự “hạnh hoẹ”, giảm bớt thiếu sót để có “phong bì, bao thư”. Thậm chí, trong quá trình kiểm toán còn diễn ra tình trạng bao che cho các đối tượng kiểm toán. Cho nên, việc chất vấn Tổng kiểm toán ở đây là để phát huy được thành quả những việc làm tốt và hạn chế tiêu cực. Từ đó, đưa hoạt động kiểm toán ngày càng đi vào nề nếp, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của đại biểu Quốc hội với cơ quan kiểm toán.

Tôi rất kỳ vọng trong kỳ chất vấn lần này, các vị đại biểu Quốc hội tập trung, xoay quanh hỏi những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà người dân đã phản ánh qua tiếp xúc cử tri và gửi gắm đến các “Tư lệnh ngành”. Phần trả lời chất vấn nên tập trung vào các nhóm vấn đề chất vấn, ngắn gọn. Các vị tư lệnh ngành trả lời trúng, đúng, xoay quanh những vấn đề đại biểu quan tâm, không vòng vo. Hy vọng lần này, cả 4 vị “Tư lệnh ngành” có thể trả lời tốt, hay và đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri cả nước.

* Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam: “Nóng” với giá điện việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội

Tất cả các nội dung, lĩnh vực chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đều quan trọng và “nóng” đặt ra với thực tiễn. Lần này có 2 Trưởng ngành là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng kiểm toán Nhà nước sẽ lần đầu “đăng đàn”. Mặc dù vậy, những Trưởng ngành này đã kinh qua nhiều vị trí công tác, có kinh nghiệm trên nghị trường. Nên trong khả năng quản lý của mình, tôi kỳ vọng họ sẽ trả lời tốt, thỏa mãn được những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.

Một trong những nội dung tôi quan tâm tại phiên chất vấn là giá điện, năng lượng thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương. Vấn đề giá điện liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, thu nhập người dân. Đây là mặt hàng thiết yếu, tác động đến giá cả tiêu dùng của các hàng hóa khác. Do đó, vấn đề liên quan đến đời sống người dân được cử tri quan tâm thì sẽ được đại biểu đưa vào Nghị trường kỳ này.

Điện năm 2024 hiện vẫn đảm bảo cung ứng cho nền kinh tế và tiêu dùng xã hội nhờ điều hành của Chính phủ và điều hành của hệ thống điện đáp ứng đời sống sinh hoạt của cả nước. Tuy nhiên vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều vào điều kiện thời tiết, liên quan đến sự tăng trưởng phát triển của nền kinh tế.

Do đó, tôi mong muốn phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn để khi nền kinh tế tăng trưởng dài thì điện phải đáp ứng được cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Bởi vì điện là hàng hóa đặc biệt không dễ tích lũy như các hàng hóa khác và nếu dự trữ được thì giá thành rất cao.

Cần có sự điều tiết linh hoạt, khi nền kinh tế nhu cầu điện cao đòi hỏi nguồn cung cấp phải đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu. Nhưng khi nhu cầu nền kinh tế giảm, thì lúc đó cần cắt giảm điều tiết. Nếu cứ phát triển ồ ạt thì sẽ có lúc dư thừa nhưng nếu không có tầm nhìn dài hạn để khi nhu cầu cao lại lâm vào trạng thái bị động thì sẽ gây khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

* Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Hậu Giang: Các nhóm vấn đề nêu ra đều bách và cần giải quyết sớm

Các nhóm vấn đề được lựa chọn lần này mang tính thời sự “nóng”, tính thiết thực trong đời sống xã hội và là một trong những trụ cột góp phần phát triển kinh tế của đất nước.

Thực tế cho thấy, ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn cũng đáng báo động, vấn đề nước khan hiếm đang diễn ra khó lường trong tương lai, lưu vực các sông đang dần thiếu nước... Tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên thị trường, dù ngành chuyên môn vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.

Cùng đó là tình rạng ác dự án đã được kiểm toán hàng năm, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần chưa khắc phục hiệu quả. Hay như về vấn đề văn hóa - thể thao và du lịch cũng là một trong những “trụ cột” để phát triển đất nước và luôn được quan tâm; phát triển mạnh du lịch là góp phần phát triển kinh tế đất nước, văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Vì vậy, cả 4 nhóm vấn đề đặt ra tại phiên chất vẫn kỳ này đều cấp bách và cần được quan tâm giải quyết sớm trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Qua các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tuần qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã phản ánh nhiều vấn đề có liên quan đến các nội dung thuộc 4 nhóm lĩnh vực sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn lần này, tôi kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều câu hỏi đúng và trúng những vấn đề nóng mà dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn. Việc chất vấn các thành viên của Chính phủ và các “Trưởng ngành” mang tính xây dựng nhằm tìm ra những khó khăn hạn chế đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

* Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn Hà Nội: Chất vấn đúng và trúng những nội dung trọng tâm

Hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó đã góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của giám sát của Quốc hội.

Việc chuẩn bị cho Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã được tiến chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn sớm các nhóm vấn đề chất vấn, tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ trưởng, Trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính; rà soát, đánh giá và có báo cáo chi tiết về các nhóm vấn đề chất vấn.

Qua đó, các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, chất vấn đúng và trúng những nội dung trọng tâm, truyền tải hết mong muốn, gửi gắm của cử tri tới các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Trên cơ sở xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn “trúng” 4 nhóm vấn đề rất nổi cộm, bao quát. Các vấn đề này vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới; đồng thời cũng có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn lần này đều là những vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân, nếu được giải quyết hiệu quả sẽ đem lại sự yên tâm cho cử tri, tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Đơn cử vấn đề về nước như hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước thực sự đang động chạm tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước. Hay một số dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm khiến cử tri quan tâm nhiều hơn đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước, cũng như tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán.

Với lĩnh vực công thương là hoạt động thương mại điện tử và việc thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường…

Tôi kỳ vọng ở phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ tiếp tục trả lời thấu đáo, đúng và trúng vấn đề, làm sáng tỏ các những vấn đề mà cử tri quan tâm và đưa ra được những giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc đang gặp phải, đáp ứng sự tin tưởng của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả đột phá trong thực tiễn để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đến hết năm 2024 cũng như cho cả nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục