Bên lề Quốc hội: Tăng tính tự chủ của doanh nghiệp kinh doanh dầu khí

17:27' - 03/06/2022
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng Luật Dầu khí cần thiết được sửa đổi khi cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn và để tăng tính tự chủ của doanh nghiệp kinh doanh dầu khí.

Luật Dầu khí (sửa đổi) là một trong 6 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ngày 3/6, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí.

Xung quanh nội dung này, bên lề kỳ họp, các đại biểu đã cho rằng, Luật Dầu khí cần thiết được sửa đổi khi cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn và để tăng tính tự chủ của doanh nghiệp kinh doanh dầu khí.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thành phố Hà Nội): Tăng tự chủ của doanh nghiệp

Trong những năm qua, đóng góp của ngành dầu khí cho sự phát triển của nền kinh tế rất lớn và trong thời gian tới, sự đóng góp của lĩnh vực này vẫn tiếp tục quan trọng.

Trong bối cảnh thế giới đang có những biến động, đặc biệt là giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng lên thì việc sửa đổi Luật Dầu khí để đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển ngành dầu khí cũng như liên doanh hợp tác phát triển ngành dầu khí sẽ tạo điều kiện đóng góp vào việc tăng trưởng. Đồng thời, đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Dầu khí là nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia và là nguồn thu lớn cho nguồn ngân sách nhà nước, cung ứng năng lượng cho nền kinh tế.

Tôi cho rằng, việc tăng cường tính tự chủ của doanh nghiệp là cần thiết, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, nhưng quan trọng nhất là tính tự chủ đó phải trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, khuôn khổ của những chuẩn mực về quản trị.

Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một doanh nghiệp rất quan trọng, liên quan đến một ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng và quan trọng đến vấn đề đảm bảo tự chủ của nền kinh tế. Bởi vậy, làm sao có hệ thống chính sách điều tiết lợi nhuận, điều tiết và định hướng đầu tư, nhưng phải đảm bảo sự minh bạch, quản trị theo tiêu chuẩn của các nền kinh tế hàng đầu trong một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Tôi hy vọng, Quốc hội sẽ thảo luận và sẽ sớm thông qua dự luật này.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Cần thiết sửa đổi khi cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn

Trong Luật Dầu khí, mục tiêu đã được thống nhất đó là ngành phải đối mặt với một thách thức là cạnh tranh quốc tế rất lớn và mong muốn hoạt động khai thác dầu khí hoạt động hiệu quả hơn nữa nên Luật Dầu khí cần phải được sửa đổi.

Giai đoạn này rất quan trọng trong việc sửa đổi Luật Dầu khí để đáp ứng yêu cầu khai thác hiệu quả, đáp ứng phục vụ tối đa tiềm năng cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, không dự báo được nhu cầu sử dụng sản phẩm dầu khí trong tương lai. Bởi trong vài thập kỷ tới, sản phẩm hóa thạch này sẽ được thay thế bằng năng lượng tái tạo. Xu hướng này đang diễn ra rất mạnh và nếu Việt Nam không tận dụng thì nguồn tài nguyên này trở nên vô nghĩa.

Do đó, mục tiêu duy nhất là cần tìm kiếm, thăm dò, phát hiện kịp thời các tiềm năng dầu khí. Khi đã phát hiện được thì cần có phương án khai thác hiệu quả nhất. Việc khai thác dầu khí cũng một phần đóng góp cho an ninh xăng dầu.

Hiện có luật kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dầu khí như: kinh doanh dầu, kinh doanh khí và kinh doanh gas, kinh doanh hóa chất, sản xuất kinh doanh…Vì vậy theo tôi, cần phải điều chỉnh vì hiện nay có rất nhiều luật liên quan đến kinh doanh có điều kiện.

Luật Dầu khí cũng thuộc phạm vi điều chỉnh mà đó là các chính sách kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, tôi nhất trí điều chỉnh ở phạm vi điều tra cơ bản, thăm dò và khai thác.

Trong Luật Dầu khí, có mấy điểm cần làm tốt hơn nữa. Đó là hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, vì dầu khí liên quan đến đất, đến nước, đến không khí; liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau. Như vậy, sẽ liên quan đến rất nhiều luật khác nhau. Như vậy, nếu áp dụng một quy trình thông thường thì có thể sẽ vướng và trùng lặp về thủ tục; tạo ra gánh nặng không cần thiết.

Tiếp theo, hoạt động khai thác dầu khí rất rủi ro liên quan đến cả luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Do tính chất rủi ro, tính chất đặc thù của luật thì cần có một quy trình để hài hòa hóa, đảm bảo lợi ích quản lý của Nhà nước nhưng vẫn phải tối ưu hóa lợi ích của hoạt động này.

Nếu như không có quy định đặc thù mà áp dụng tất cả các quy định hiện nay thì Luật này phát sinh gánh nặng về mặt thủ tục. Từ đó, khiến cho hoạt động khai thác không hiệu quả.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo lần này giải quyết được dứt điểm câu chuyện hài hòa giữa quy định của các luật nhưng phải đảm bảo đủ rõ, cụ thể và có thể áp dụng ngay. Trong trường hợp cần thiết, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết thêm./.

>>Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục