Bên lề Quốc hội: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

17:55' - 11/11/2022
BNEWS Nhiều đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu về kinh tế, xã hội và quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trao đổi bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu về kinh tế, xã hội và quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho rằng, mức tăng trưởng 6,5% GDP năm 2023 là phù hợp. Bởi năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Đại biểu phân tích: “Năm 2023 tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng, đặc biệt là khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tình hình xăng dầu đang có những biến động, chúng ta cũng không thể chủ quan được. Cho nên, việc đề ra mức tăng trưởng 6,5%, đó là mục tiêu thận trọng và phù hợp”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVNn đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Ảnh: TTXVN
Nêu lên những khó khăn trong kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt tùy theo tình huống, tùy theo bối cảnh, nhưng mục tiêu là phải ổn định vĩ mô. Để ổn định vĩ mô, chỉ tiêu đầu tiên phải quan tâm là kiểm soát cho được mức lạm phát Quốc hội quyết định, nhằm bảo đảm thành quả của tăng trưởng.
 

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, mục tiêu chung là phải duy trì ổn định vĩ mô. Tất nhiên, ổn định vĩ mô còn rất nhiều cân đối khác nữa. Nhưng trực tiếp tác động đến đời sống người dân, chỉ tiêu đầu tiên cần quan tâm là lạm phát.

Với năm 2022, kinh tế trong quá trình phục hồi nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Những hạn chế nói trên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, Chính phủ đã nhận ra và đã có các giải pháp dần khắc phục, dù nền kinh tế đã phải chịu tác động tiêu cực. Với doanh nghiệp, đại biểu Lâm cho rằng, một bộ phận vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn sau dịch bệnh.

"Tuy nhiên, nhìn vào các cơ hội trong thời gian tới cũng tương đối ổn, không đến nỗi quá quan ngại. Điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa vừa qua là nhằm tạo ra được một môi trường ổn định và thuận lợi cho doanh nghiệp” - đại biểu trao đổi.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở cao, phụ thuộc lớn vào đầu tư, xuất khẩu, thị trường thế giới. Trong nước, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, đầu tư ngoài nước. Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng không thể trông chờ phát triển đột phá thị trường trong nước.

“Trong bối cảnh thế giới khó khăn, tâm lý của người dân là tiết kiệm, cẩn trọng hơn trong chi tiêu và doanh nghiệp đang gặp những khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, Quốc hội đề ra một chỉ tiêu tăng trưởng là 6,5% là một chỉ tiêu phải phấn đấu. Nếu như không có những biến động xấu thêm của tình hình thế giới, chúng ta có thể đạt được mục tiêu này. Nếu thị trường thế giới có những biến động bất lợi hơn, khó khăn hơn, việc đạt được 6,5% là một thách thức”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục