Bến Tre chuyển đổi sang sản xuất cây giống cho thu nhập cao

10:38' - 28/05/2019
BNEWS Những năm gần đây, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nhà vườn tại Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã chuyển đổi sang sản xuất cây giống cho thu nhập cao.
Cây giống Chợ Lách được đưa đến khắp các vùng trên cả nước. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Bên cạnh đó, người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất cây giống, cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và từng bước đưa Chợ Lách trở thành nơi sản xuất cây giống lớn nhất cả nước.

*Làm giàu từ cây giống

Trước những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế không cao, nhiều hộ dân tại huyện Chợ Lách đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, vườn cây kém chất lượng chuyển đổi sang sản xuất cây giống mang lại thu nhập lớn.

Ông Lê Minh Út, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết, trước đây hơn 4.000m2 vườn cây của gia đình trồng cây măng cụt, cam, sầu riêng.

Sau đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, vườn cây gia đình ông Út trở nên suy thoái, không phục hồi được, thu nhập mỗi năm chỉ vài chục triệu đồng.

Nhận thấy nhu cầu cây giống tăng cao, nên ông Út đã quyết định phá bỏ vườn cây để tạo mặt bằng chứa cây con sản xuất cây giống.

Theo ông Út, hiệu quả kinh tế của sản xuất cây giống cao hơn 4 lần so với thu nhập trồng cây ăn trái trước đây. Mỗi năm, gia đình ông Út cung cấp cho thị trường hơn 60.000 cây giống, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ghép cây giống tại nhà vườn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Trước sự hấp dẫn từ lợi nhuận của cây giống nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn cây ăn trái để trồng cây nguyên liệu cho sản xuất cây giống.

Ông Nguyễn Văn Đức, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách chia sẻ, trồng cây ăn trái thu nhập bấp bênh, hiện nay sản xuất cây giống mang lại hiệu quả cao được người dân lựa chọn.

Nếu sau này thì trường cây giống nhu cầu không cao như bây giờ thì người dân chuyển đổi sang làm thứ khác vẫn kịp, vì sản xuất cây giống chỉ 1 năm là xuất bán được.

Ông Đức so sánh, nếu 1.000m2 trồng cây ăn trái mỗi năm thu về cao lắm đạt từ 60 - 80 triệu đồng, riêng trồng cây con nguyên liệu cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Theo ông Đức, nếu sản xuất từ cây con đến cây thành phẩm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/1.000m2/năm. Riêng sản xuất cây sầu riêng giống mỗi năm thu nhập từ 5 - 6 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, từ sản xuất khoảng 400 ha (vào năm 2016), với sản lượng cây giống cung cấp cho thị trường từ 17 triệu sản phẩm/năm.

Hiện nay, diện tích sản xuất cây giống của huyện Chợ Lách đã tăng hơn 4 lần so với trước, tập trung tại các xã Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn…, sản lượng mỗi năm khoảng hơn 40 triệu sản phẩm cây giống các loại. Đến nay, nghề sản xuất cây giống ở Chợ lách thu hút hơn 4.100 hộ, với 11.000 lao động tham gia sản xuất.

Đáng chú ý, các sản phẩm cây giống của Chợ Lách đưa ra thị trường đều được tiêu thụ hết, đem lợi thu nhập khá lớn cho nông dân địa phương.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm lý giải, nếu chuyển đổi sang sản xuất cây giống đúng lúc theo nhu cầu của thị trường thì trên cùng một đơn vị diện tích giá trị mang lại cho người sản xuất cây giống rất cao, có những nơi thu nhập 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí chỉ 1.000m2 sản xuất cây giống đã mang lại tiền tỷ cho người dân, nếu người dân trồng cây ăn trái thì cũng không thu nhập được như vậy.

Bên cạnh đó, sản xuất cây giống thu hút lượng lớn lao động, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người dân từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày.

*Nâng tầm thương hiệu “Vương quốc cây giống”

Anh Đặng Văn Mi, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Thới cho biết, để nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu cây giống, hợp tác xã xây dựng các vườn cây đầu dòng, bảng công bố chất lượng, quy trình sản xuất để cho xã viên an tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, hợp tác xã liên kết thị trường đầu ra ổn định tại các khu vực miền Đông Nam Bộ, khu vực các tỉnh phía Bắc, và cung cấp giống cho Lào, Campuchia.

Sản xuất cây giống cho thu nhập cao hơn trồng cây ăn trái. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Mặt khác, hợp tác xã mở các lớp đào tạo nghề sản xuất cây giống cho người dân, hướng dẫn người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để từ đó sản xuất ra cây giống với chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Theo anh Mi, Hợp tác xã nông nghiệp Long Thới ký kết tiêu thụ từ 70 - 80% sản phẩm của thành viên làm ra, mỗi năm hợp tác xã tiêu thụ hơn 2 triệu sản phẩm cây giống từ các xã viên sản xuất.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho hay, trong những năm qua, ngành chức năng của Chợ Lách đã hỗ trợ, tập huấn hướng dẫn cho người dân  tay nghề sản xuất cây giống của người dân từng bước được nâng cao.

Ngoài ra, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất cây giống nên hiệu quả mang lại rất lớn, sản phẩm đạt chất lượng hơn, ít sâu bệnh, nguồn gốc cây giống được đảm bảo.

Tiến sĩ Liêm chia sẻ, nếu như trước đây sản xuất cho ra cây giống chất lượng bán được ra thị trường đạt 30% so với sản lượng sản xuất, thì tay nghề người dân hiện nay đạt 80-90%.

Cùng với đó, ngành chức năng giới thiệu giải pháp kỹ thuật trong sản xuất cây giống như: che nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, cách ghép cây… từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cây giống của địa phương.

Đặc biệt, huyện Chợ Lách đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây đầu dòng theo tiêu chuẩn, để làm nơi cung cấp bo, mắc ghép đạt chất lượng cao cho người dân.

Để đảm bảo chất lượng cây giống, thời gian qua, ngành chức năng huyện chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất cây giống từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được ngành chức năng công nhận.

Qua đó, nhiều nông dân Chợ Lách đã đăng ký bình tuyển cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng mắt ghép cung cấp cho các cơ sở sản xuất cây giống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết, sản xuất cây giống là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Những năm qua, huyện Chợ Lách đã tập trung hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn, triều cường, đường giao thông nông thôn để người dân an tâm sản xuất.

Đồng thời, huyện khuyến khích người dân tham gia liên kết sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cây giống.

Để nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất cây giống, huyện tập trung hai lĩnh vực then chốt là tổ chức lại sản xuất bằng cách xây dựng các liên kết ngang với hình thức hoạt động hợp tác xã và tổ chức các liên kết dọc thông qua hình thức xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Hiện nay, huyện có 12 hợp tác xã, hơn 120 tổ hợp tác sản xuất cây giống.

Các hợp tác xã hoạt động mang lại cho người nông dân nhiều lợi ích từ việc tổ chức sản xuất cây giống từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng một cách tập trung, có sự đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ cây giống.

Bên cạnh đó, với pháp nhân của hợp tác xã sẽ có lợi thế khi tham gia đấu thầu các hợp đồng sản xuất lớn, tham gia vào thị trường thuận lợi hơn, quản lý chất lượng cây giống tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục