Bến Tre đảm bảo đủ nước ngọt cho vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản

11:13' - 08/03/2023
BNEWS Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu ngành chức năng chủ động các biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ vùng sản xuất cây giống, cây ăn quả đặc sản.

Trong chuyến khảo sát ứng phó phòng chống hạn mặn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu ngành chức năng chủ động các biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ vùng sản xuất cây giống, cây ăn quả đặc sản tại huyện Chợ Lách.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng, năm nay xâm nhập mặn ảnh hưởng sâu, nhưng có sự chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, thích ứng cho nên, tác động xâm nhập mặn chưa lớn. Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng hạn mặn kéo dài, do đó các địa phương không nên chủ quan, phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cần thông tin nhanh chóng về tình hình xâm nhập mặn, ảnh hưởng xâm nhập mặn để người dân biết và có biện pháp ứng phó kịp thời. Đảm bảo các điều kiện sản xuất, đủ nước sinh hoạt trong thời gian hạn mặn ảnh hưởng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ lưu ý, ngành chức năng huyện Chợ Lách cần có kế hoạch vận hành các cống đập tạm hiệu quả, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong khu vực trữ ngọt, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Ông Huỳnh Văn Nghiệp, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách chia sẻ, các năm trước mặn xâm nhập ảnh hưởng rất lớn đến hơn 1 ha trồng cây sầu riêng của ông. Do không có sự chủ động nên thiếu nước tưới, ngoài ra mặn xâm nhạp đến tận vườn cây, làm ảnh hưởng đến năng suất của cây. Hai năm trở lại đây, ông Nghiệp đã chủ động hơn các biện pháp ứng phó hạn mặn.

Ngay từ khi hết mùa mưa ông đã phải chuẩn bị cải tạo hệ thống đê bao ngăn mạn quanh vườn, đồng thời tiến hành nạo vét kênh mương trong vườn để trữ nước. Hiện tại,vườn sầu riêng của ông đang trong giai đoạn ra hoa, nếu thời điểm này không có sự chủ động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng của cây. Không đủ nước tưới hay tưới nước mặn (dù nồng độ thấp) trái sẽ bị hư hại, thậm chí cây sẽ bị chết). Do đó, từ sự chủ động gia đình nên ông Nghiệp vẫn sản xuất bình thường mặc dù đang trong mùa hạn mặn.

Theo UBND huyện Chợ Lách, mặn đã xâm nhập sâu vào địa bàn huyện Chợ Lách, chiếm 2/3 diện tích huyện, Độ mặn cao nhất trong những ngày qua, trên sông Cổ Chiên tại trạm đo Nhuận Phú Tân (cách biển 56km) độ mặn 3,8‰, điểm đo Vàm Cái Hàn, xã Hưng Khánh Trung B (cách biển 60km) độ mặn là 3‰, Vàm Tắc xã Hưng Khánh Trung B (cách biển 62km) 2,8‰. Trên sông Hàm Luông, tại trạm đo Vàm Mơn, xã Phú Sơn (cách biển 64km) là 2,5‰, Phà Tân Phú xã Hòa Nghĩa 1‰.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho hay, huyện có hơn 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân tại huyện Chợ Lách kinh tế chủ yếu sản xuất cây giống, hoa kiểng, trồng cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, chôm chôm) khả năng chịu mặn kém. Do vậy, ngay từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 huyện Chợ Lách triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn mùa khô năm 2023. Cho nên đến thời điểm hiện tại, tuy mặn xâm nhập sâu nhưng vẫn đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân sản xuất, sinh hoạt.

Cùng với đó, nhận thúc người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó hạn mặn, các hộ dân chủ động đo mặn trước khi tưới, tìm hiểu thông tin diễn biến mặn để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngoài giải pháp công trình lớn nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, các hộ dân chủ động xây dựng các hồ chứa nước ngọt đủ nước sản xuất. Từ các giải pháp công trình, sự chủ động của người dân, hiện nay có hơn 80% diện tích đất sản xuất đảm bảo có đủ nước tưới phục vụ sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục