Bến Tre ứng phó xâm nhập mặn trên các sông chính tăng cao

11:46' - 02/03/2023
BNEWS Tỉnh Bến Tre đang triển khai các giải pháp ứng phó trước diễn biến độ mặn trên các sông chính trong tỉnh tăng cao.

Tỉnh Bến Tre đang triển khai các giải pháp ứng phó trước diễn biến độ mặn trên các sông chính trong tỉnh tăng cao, nhằm hạn chế những tác động do xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính có xu hướng tăng nhanh đến ngày 2/3. Xâm nhập mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 2/3 và 4/3, ở mức sâu hơn so với tuần qua và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, trên sông Cửa Đại, độ mặn 1 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 54 km (đến xã An Khánh, huyện Châu Thành); độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 44 km (đến xã Quới Sơn, huyện Châu Thành). Trên sông Hàm Luông, độ mặn 1 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 70 km (đến xã Tân Phú, huyện Châu Thành; Long Thới, huyện Chợ Lách); độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 58 km (đến xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; xã Tiên Thuỷ, huyện Châu Thành).

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 70 km (đến xã Hoà Nghĩa, huyện Chợ Lách); độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách cửa sông khoảng 51 km (đến xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc).

Theo UBND tỉnh Bến Tre, trước tình hình xâm nhập mặn, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023.

Các địa phương chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính, tiếp tục duy trì đo kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối và các vị trí đầu nguồn nước tưới để có cơ sở vận hành, các cống; phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành các cống kịp thời ngăn mặn và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho từng khu vực.

Một số địa phương tổ chức đo mặn tại các tuyến kênh, rạch nội đồng nhằm cung cấp số liệu cho người dân để chủ động ứng phó; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thăm vườn, thăm đồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi trong điều kiện xâm nhập mặn; phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát hoang, vớt rác, tuyên truyền giữ vệ sinh trên các tuyến kênh nội đồng nhằm hạn chế ô nhiễm, tăng cường lưu thông nguồn nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, qua kiểm tra thực tế ở vài điểm trọng yếu cho thấy, công tác phòng, chống hạn mặn của chính quyền các cấp cho đến người dân, đặc biệt là ở người dân, đã rất chủ động trong việc phòng tránh hạn mặn. Đối với giải pháp công trình, hầu hết các công trình đã đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp thời gian, nhất là cao điểm vào tháng 3.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hạn mặn của năm nay diễn biến rất phức tạp, không theo quy luật. Đặc biệt, năm 2023 ngoài xâm nhập mặn còn gắn theo triều cường, triều cường lên rất cao thì đây là tác động kép. Do vậy, đòi hỏi trong quá trình lãnh đạo, xử lý phải nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân trong việc phòng tránh hạn mặn.

Để chủ động phòng chống sự kết hợp của triều cường và xâm nhập mặn, trong thời gian tới, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, kịp thời gia cố, tôn cao để ứng phó với triều cường; thông tin về diễn biến, tình hình triều cường, sạt lở đến người dân, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn tránh xảy ra tai nạn.

Khi có tình huống xảy ra, địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục các vị trí bờ bao bị xói lở không để nước tràn qua tiếp tục gây vỡ đê. Hỗ trợ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm (nếu có) di dời đến nơi an toàn. Đối với các sự cố công trình, địa phương có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục