Bến Tre hỗ trợ người trồng dừa 1 triệu đồng/ha bị ảnh hưởng hạn mặn

21:51' - 25/03/2021
BNEWS Tỉnh Bến Tre vừa quyết định hỗ trợ kinh phí cho vườn dừa bị ảnh hưởng hạn mặn khốc liệt vào mùa khô năm 2019-2020 là 1 triệu đồng/ha.

Điều này góp phần giúp người trồng dừa có điều kiện chăm sóc cây dừa (mua phân bón), vượt qua hạn mặn trong thời gian tới.

Sau một năm bị hạn mặn, vườn dừa hơn 1ha của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, vẫn bị ảnh hưởng do mặn. Đến nay, mặc dù gia đình tích cực áp dụng các biện pháp cứu vườn dừa nhưng cây dừa vẫn bị ảnh hưởng.

Bà Nhung cho biết, sau khi bị mặn xâm nhập từ đầu năm 2020, đến bây giờ cây dừa tiếp tục bị "thấm đòn", không có trái để thu hoạch do nước mặn ảnh hưởng kéo dài thời gian hơn 6 tháng.

Bà Nhung lý giải, khi nước mặn xâm nhập thời điểm đó trái dừa sẽ bị teo tóp lại, đồng thời khi đó dừa ra hoa sẽ không đậu trái. Đến thời điểm này, là lúc thu hoạch trái từ năm trước thì dừa treo không có trái nào để thu hoạch (tính từ khi ra hoa đến thu hoạch được trái dừa sẽ mất 11-12 tháng).

Bà Nhung cho hay, để dừa có thể phát triển cho trái bình thường mất ít nhất 2 năm, chi phí đầu phân bón sẽ rất lớn. Do vậy, khi có hỗ trợ kinh phí người dân sẽ tiếp tục chăm sóc cho cây để cây dừa nhanh chóng trở lại năng suất như trước đây.

Ông Đỗ Văn Thu, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm chia sẻ, sau hạn mặn chỉ hỗ trợ cho các cây trồng khác không hỗ trợ cho cây dừa người dân cũng buồn, do hạn mặn ảnh hưởng chung đến tất cả các loại cây kể cả cây dừa chứ không riêng cho cây nào.

Trong khi đa số người dân dựa vào cây dừa là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Không những thế, thời điểm hiện nay người dân rất khó khăn do năng suất, sản lượng dừa giảm từ 60-70%, kinh tế người dân không đủ kinh phí để ổn định cuộc sống nên không thể đầu tư phân bón thuốc trừ sâu cho cây dừa.

Vì vậy, có sự hỗ trợ từ kinh phí từ nhà nước, người dân sẽ yên tâm hơn, mạnh dạn đầu tư để vực dậy vườn dừa, giúp cây dừa ổn định sản lượng trong tương lai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cây dừa là cây trồng chủ lực với diện tích hơn 73.000 ha và gắn liền với cuộc sống, thu nhập của người dân Bến Tre.

Do đặc điểm sinh học nên trong đợt hạn mặn 2019-2020, cây dừa tuy không bị chết nhưng bị giảm năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, hầu hết diện tích dừa bị giảm năng suất, chất lượng, đa phần giảm từ 30-70%, đặc biệt là dừa uống nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, thì cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Do dừa bị giảm năng suất, chất lượng nên thu nhập của người trồng dừa bị giảm bình quân 50-60%; thậm chí, có lúc dừa không bán được vì không đạt tiêu chuẩn, cùng với tác động của dịch bệnh COVID-19 nên người trồng dừa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chăm sóc, phục hồi vườn dừa sau hạn mặn rất hạn chế.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, hạn mặn ảnh hưởng đến cây dừa, một cách từ từ và lâu dài, cây dừa có khả năng chịu được mặn, nhưng năng suất trái và chất lượng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng nếu không có các biện pháp khôi phục kịp thời cho cây dừa.

Do vậy, việc hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân sẽ giúp người dân khôi phục vườn dừa nhanh hơn, đảm bảo năng suất cho cây dừa phục vụ ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre. Đồng thời, tạo thu nhập cho người dân sau thời gian bị ảnh hưởng do hạn mặn

Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh hỗ trợ người dân trồng dừa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để khắc phục ảnh hưởng hạn mặn.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển sang trồng dừa theo hướng hữu cơ (giảm ảnh hưởng hạn mặn), tập trung xây dựng hệ thống đê bao cục bộ quanh vườn để trữ nước ngọt, đủ nước tưới cho cây dừa khi bị ảnh hưởng hạn mặn.

Việc hỗ trợ phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng trực tiếp canh tác dừa bị ảnh hưởng do hạn mặn. Điều kiện hỗ trợ, đối với vườn dừa chuyên canh: hỗ trợ 100% diện tích.

Đối với vườn dừa trồng xen (cây dừa là cây trồng chính): dừa công nghiệp: tối thiểu 160 cây/ha; dừa uống nước: tối thiểu 200 cây/ha.

Diện tích dừa được hỗ trợ: không bao gồm diện tích dừa có trồng xen cây ăn trái đã được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục