Nông nghiệp Bến Tre chuyển đổi theo nhu cầu thị trường

14:56' - 03/03/2021
BNEWS Giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại.
Nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, Bến Tre có hệ sinh thái đa dạng gồm mặn, lợ và ngọt phù hợp với sự đa dạng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, gồm hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển; trong đó, kinh tế vườn tiêu biểu là cây dừa đóng vai trò chủ lực, với hơn 73.000 ha, cây ăn trái trên 29.000 ha và trên 30.000 ha lúa chuyên canh và lúa một vụ. Đây là điều kiện lý tưởng để nông dân Bến Tre hướng đến những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế cho nông hộ.

*Thay đổi tư duy sản xuất

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi khá tốt.

Dù cây lúa không phải là cây trồng chủ lực nhưng thời gian qua, người dân ở Bến Tre đã khéo léo kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần trên cùng diện tích canh tác. Anh Lê Văn Phúc, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú là một trong những người đi tiên phong với mô hình này. Hiện, anh đã quen dần với việc canh tác theo kiểu "con tôm ôm gốc lúa" được 4 năm qua.

Anh Phúc cho biết, lúc trước ruộng lúa mỗi năm chỉ làm 1 vụ, thời gian còn lại do nước mặn nên không trồng được gì. Từ khi chuyển đổi vừa trồng lúa và nuôi tôm, đã đem lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ trồng lúa hoặc nuôi tôm thâm canh.

"Hiện tại lúa làm ra đã được công ty ký kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, con tôm khi xuất bán luôn có người đặt hàng trước nên tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.

Ở vụ mùa năm 2019 và 2020, 1 ha lúa hữu cơ của anh Phúc đạt năng suất hơn 4,5 tấn, giá thu mua hơn 8.500 đồng/kg; vụ tôm thu được hơn 3 tấn. Hiệu quả mang lại từ cách thức kết hợp giữa nuôi tôm và trồng lúa đã tăng lên 3-4 lần so với trước đây". Anh Phúc chia sẻ.

Trước ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, một số hộ trồng lúa tại Bến Tre không gieo sạ vụ lúa Hè Thu, mà chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác hoặc trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vừa chuyển đổi hơn 3.000m2 đất lúa kém hiệu quả để lên luống trồng dừa và trồng cỏ nuôi bò, bà Trần Thị Thu, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho hay, đất trồng lúa gia đình thuộc vùng trũng thấp, trồng lúa mỗi năm có 2 vụ, năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Hơn nữa, các năm gần đây ảnh hưởng nước mặn nên sản xuất lúa không hiệu quả. Vụ lúa năm nay, bà Thu không gieo sạ, cho lên líp trồng dừa kết hợp trồng cỏ nuôi bò.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, người nông dân tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Cụ thể, người dân đã cân nhắc, thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng,chống dịch bệnh. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được người dân quan tâm thực hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi lợn…

Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, con lợn, con bò…, được thị trường chấp nhận khá tốt, tạo được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm nông nghiệp Bến Tre.

*Chuyển đổi theo nhu cầu thị trường

Thời gian qua, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện khá toàn diện và đạt hiệu quả cao, từng bước tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh, nhất là kinh tế vườn và kinh tế biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thực hiện Đề án, diện tích lúa đã giảm phù hợp với chủ trương và định hướng của tỉnh. Hơn nữa, việc tổ chức sản xuất, cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất- tiêu thụ bắt đầu phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự liên kết của chuỗi giá trị. Đây là yếu tố nền tảng và quyết định cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 109 tổ hợp tác, 48 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đáng chú ý, trong năm 2020, tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt 31.171 ha, sản lượng 135.314 tấn. Diện tích lúa giảm 24.330 ha so với năm 2017, sản lượng giảm 91.959 tấn. Diện tích, sản lượng lúa giảm do nông dân chuyển đất lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, đồng thời thực hiện chủ trương xuống giống 2 vụ/năm (một số nơi không xuống giống vụ Đông Xuân để tránh bị thiệt hại do hạn mặn). Đồng thời, diện tích cây ăn trái tăng và phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao (nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh…).

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nên diện tích trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò đã mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích canh tác cho người nông dân.

Bên cạnh đó, con bò, con tôm cũng là vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, việc kết hợp sẽ tạo cho người dân có sự đổi mới trong canh tác, không phải chạy theo thị trường để chuyển đổi sản xuất, mà từ những cái sẵn có nên người dân thay đổi sản xuất cho phù hợp và tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững.

Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ( GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-4,7%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt đạt 180 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha…

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao.

Giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bến Tre sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng rút ngắn chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả phân phối lợi ích giữa các tác nhân; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi.

Đặc biệt, tới đây tỉnh còn chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản,phấn đấu đến năm 2025 tất cả 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù của địa phương khi đưa ra thị trường phải được truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục