Bí quyết để doanh nghiệp đáp ứng các quy chuẩn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

17:39' - 11/04/2016
BNEWS Các chuyên gia khuyến cáo khi ký hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam nên ký hợp đồng ngắn hạn, đảm bảo hợp đồng có thể tái ký kết và được sửa đổi điều khoản.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo chiều 11/4 tại Hà Nội. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng với những luật lệ phức tạp, nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự am hiểu.

Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 11/4 tại Hà Nội nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng quy chuẩn mà thị trường Hoa Kỳ đặt ra. 

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 13 vào thị trường Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính hiện nay vẫn là dệt may, máy móc thiết bị điện tử và linh kiện, giày dép, đồ gỗ nội thất… Dù được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm hiện vẫn đang phải chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản của Hoa Kỳ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực trong nước.

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những qui định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như qui định, thủ tục vào thị trường này. Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ các mặt hàng nói trên, việc nhanh chóng khắc phục những bất cập đó vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA) chính thức có hiệu lực cuối năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng liên tục với tốc độ cao từ con số 452 triệu USD năm 1995 (thời điểm sau khi cấm vận được dỡ bỏ) lên 1,51 tỷ USD năm 2001 (năm BTA có hiệu lực) và đạt 37,9 tỷ USD năm 2015. Cũng trong năm 2015, Việt Nam vươn lên xếp thứ 19 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. 

Chia sẻ những kinh nghiệm về yêu cầu hiện hành của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông David Lennarz chuyên gia kỹ thuật Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ là thị trường đầy hấp dẫn, luôn thu hút sự quan tâm đầu tư của các nước trên thế giới nhiều năm nay; trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, khi có các hoạt động kinh doanh thương mại vào thị trường Hoa Kỳ thì các hợp đồng xuất khẩu thường quy định cụ thể như: loại hàng hóa, giá mua, điều khoản thanh toán, kiểm tra và giao nhận hàng, địa điểm diễn ra việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, yêu cầu bảo lãnh nhận hàng và các điều khoản vi phạm… Từ đó, cần cung cấp những cảnh báo và dán nhãn rõ ràng, chính xác theo quy định. Bên cạnh đó, cần thực hiện các chương trình đảm bảo chất lượng nghiêm túc và khắt khe để đảm bảo an toàn sản phẩm. 

Cũng theo ông David Lennarz, việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ cũng như việc gia nhập WTO và các FTA thế hệ mới càng mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và ngược lại. Hoa Kỳ đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên đến hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã quen và hiểu thị trường Hoa Kỳ hơn, từ đó có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn với thị trường này. Mặt khác, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và có hướng chuyển sang mua một phần hàng Việt Nam thay vì các thị trường khác trong khu vực. 

Tuy nhiên, hiện nay không ít doanh nghiệp Việt Nam đã và đang vấp phải sự cản trở từ chính sách bảo hộ gắt gao của Hoa Kỳ nhất là về hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm cao, không ít trường hợp cao quá mức cần thiết. Bên cạnh đó, các biện pháp chống khủng bố được ban hành cũng tạo thêm những rào cản mới đối với hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ nói chung, trong đó có hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, sáng kiến về an ninh container; qui định đăng ký cơ sở sản xuất, chế biến và kho chứa thực phẩm và thông báo trước khi hàng đến với Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cũng làm phát sinh chi phí khi xuất khẩu. Ngoài ra, hệ thống pháp luật thương mại của Hoa Kỳ rất phức tạp và chồng chéo. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi ký hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam nên ký hợp đồng ngắn hạn, đảm bảo hợp đồng có thể tái ký kết và được sửa đổi điều khoản; xác định chọn luật nào, trọng tài nào để xử lý trong trường hợp có tranh chấp. Trước các tình huống dẫn đến kiện tụng, các doanh nghiệp cần bình tĩnh và nên tích cực hợp tác. Để từng bước thâm nhập và tiến tới một vị trí trên thị trường Hoa Kỳ, hơn bất cứ ở thị trường nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ đối tác, luật lệ cũng như tập quán kinh doanh của thị trường này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục