Tăng cải cách thuế và hải quan phù hợp quy định của các FTA

13:42' - 08/04/2016
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, gia nhập các hiệp định thương mại, ngoài biện pháp cắt giảm thuế quan, cần chú trọng hơn nữa tới việc gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan trong thương mại.
Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện lộ trình cắt giảm thuế quan từ nay cho tới 2018. Ảnh: bangkokpost.com.

Các hiệp định thương mại như AEC, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, TPP, RCEP mà Việt Nam là thành viên quy định xóa bỏ nhiều dòng thuế theo lộ trình 10 năm hoặc ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Những nôi dung này đã đặt ra yêu cầu phải cải cách triệt để thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực quan trọng của ngành tài chính là thuế và hải quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã tập trung triển khai toàn diện trên nhiều mặt công tác từ các giải pháp cải cách về chính sách, thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, sắp xếp đào tạo lại đội ngũ cán bộ, đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, góp phần giảm thời gian nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.  

“Số giờ nộp thuế đã giảm được 420 giờ xuống còn 117 giờ, tương đương với các nước ASEAN-6 và đang tiến tới thời gian nộp thuế của các nước ASEAN-4. Ngành thuế ngày càng hiện đại hóa. Doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đã đạt hơn 98% và doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đã đạt hơn 90%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế việc gia nhập vào các hiệp định thương mại, nếu chỉ sử dụng biện pháp cắt giảm thuế quan thì chưa đủ mà phải bao gồm cả việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đơn giản hóa các tiêu chuẩn và các biện pháp thực hiện, đơn giản hóa và hài hòa các thủ tục hải quan nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy thương mại giữa các nước.

Ngoài tập trung vào các biện pháp thuế quan, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới việc xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện phát triển thương mại sau hội nhập quốc tế. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia kinh tế Đỗ Duy Cường cho rằng, hợp tác khu vực về các vấn đề hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu hơn nữa.

Ông Cường cho rằng, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực thì các nước tham gia sẽ liên tục đơn giản, hài hòa hóa các quy trình, thủ tục để đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa, cắt giảm thời gian và chi phí giao dịch tại cửa khẩu.

Các nước cũng trao đổi thông tin, ngăn chặn, trấn áp các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Các nước cũng áp dụng thống nhất các quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các quy tắc và thông lệ đã được xây dựng để tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), gia nhập vào các hiệp định, ngành tài chính Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn; trong đó, hạ tầng cơ sở còn khá lạc hậu so với một số nước là một trong những cản trở đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Chuyên gia Nguyễn Phương Liên, Viện nghiên cứu Hải quan (Tổng cục Hải quan) phân tích, hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các hiệp định thương mại khác, ngành hải quan cần khẩn trương giải quyết những vấn đề còn tồn tại như cơ chế Một cửa quốc gia, hiện số lượng hồ sơ thực hiện qua cơ chế Một cửa quốc gia giai đoạn đầu kết nối chính thức còn chưa nhiều.

Các bộ, ngành vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để kết nối và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Cải cách hành chính thuế trong năm 2016 sẽ tập trung vào: kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Ảnh: TTXVN

Công tác kiểm tra hải quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật có liên quan, dẫn đến những yêu cầu về chứng từ, kiểm tra thực tế hàng hóa và trì hoãn trong giải phóng hàng.

Trong khi đó, tỉ lệ phát hiện vi phạm qua các hoạt động kiểm tra hải quan còn thấp và nguồn lực dành cho công tác này vẫn còn hạn chế.

Để quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập thời gian tới, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính thuế trong năm 2016 sẽ tập trung vào 3 nhóm chỉ tiêu mới là kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

Nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 36a/NQ-CP là tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối họp với các cơ quan liên quan để triến khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng; nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN.

Với những yêu cầu đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đấu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu; triển khai thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoàn thuế điện tử, giám sát chặt chẽ tình hình hoàn thuế, hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp; triển khai áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ, hiệu quả trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan theo các quy định của Luật Hải quan.

Đồng thời, ngành hải quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục hải quan để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát hải quan, thực hành pháp luật về thuế hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan và kiểm soát hải quan tốt hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục