Bí thư Thành ủy Hà Nội: Còn nhiều sự kiện diễn ra lộn xộn, mất mỹ quan ở khu vực hồ Hoàn Kiếm

19:20' - 25/11/2023
BNEWS Về việc quản lý không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiên Dũng đề nghị các cơ quan thành phố chỉ nên tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc tại khu vực này.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội nói chung, khu vực Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm nói riêng tổ chức rất nhiều lễ hội văn hoá, du lịch, kinh tế thương mại, sản phẩm làng nghề thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ gìn văn hoá và phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra đã kéo theo một số bất cập trong quá trình tổ chức.

 

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng hiện nay, ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, đan xen các hoạt động văn hóa còn có nhiều sự kiện diễn ra lộn xộn, mất mỹ quan, chưa phù hợp; cần được khẩn trương rà soát, tái thiết, tổ chức sắp xếp cho phù hợp, tương xứng. Việc tổ chức các hội chợ thương mại hoặc tương tự cần được bố trí ở các địa điểm khác phù hợp hơn như ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm (khu vực Mỹ Đình).... Trước khi tổ chức các sự kiện tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, các cơ quan cấp phép cần trao đổi với cấp ủy, chính quyền quận Hoàn Kiếm là đơn vị đầu mối trực tiếp phụ trách địa bàn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Về việc quản lý không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiên Dũng đề nghị các cơ quan thành phố chỉ nên tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc tại khu vực này. Quận Hoàn Kiếm cần chủ trì phối hợp với các cơ quan thành phố sớm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cho các sự kiện diễn ra tại khu vực này; trong đó, cần cụ thể hóa về hình thức, nội dung sự kiện, quy mô, tính chất... để giữ gìn và phát huy nét đẹp hào hoa, thanh lịch, linh thiêng của không gian trung tâm quan trọng này.

Mới đây, phát biểu Kết luận tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức ngày 22/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã lưu ý về việc quản lý, sắp xếp các sự kiện phù hợp với các không gian văn hóa như khu vực hồ Hoàn Kiếm... để bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực trọng điểm trong đó có tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử... nhằm thu hút du lịch tạo nguồn thu bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, quá trình triển khai các chủ trương, nhiệm vụ quan trọng nêu trên phải làm quyết liệt, song phải thật cẩn trọng và cân nhắc để bảo đảm việc thực hiện đúng hướng, có hiệu quả, đạt chất lượng mong muốn, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa phải tổ chức thực hiện thật hài hoà, từng bước chắc chắn, phù hợp, vừa phát huy hiệu quả, vừa gìn giữ được những giá trị gốc, những nét đẹp cổ kính, truyền thống vốn có.

Đánh giá cao việc mở cửa triển lãm nghệ thuật tại tháp nước phố Hàng Đậu, mỗi ngày thu hút gần 3.000 khách đến tham quan, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng gợi mở việc nghiên cứu phân cấp, ủy quyền tạo điều kiện cho các quận, huyện chủ động quản lý và thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiên Dũng lưu ý, cùng với hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn có nhiều không gian văn hóa có ý nghĩa quan trọng gắn với các di tích, các hồ lớn tiêu biểu như hồ Tây cần được các cơ quan thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, xử lý nghiêm minh các vi phạm nhằm bảm đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường... tạo thành những điểm đến hấp dẫn, thể hiện rõ đặc trưng “văn hiến, văn minh, hiện đại” của Thủ đô Hà Nội. Có như thế, Thành phố mới có thể triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy về lĩnh vực văn hóa nhằm hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hiệu quả, bền vững nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục