Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không để xảy ra “bong bóng” bất động sản

12:41' - 22/12/2020
BNEWS Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Sở Xây dựng cần chú ý không để xảy ra tình trạng “bong bóng” hay “thành phố ma” trong thị trường bất động sản.

Sáng 22/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở và ngành xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả Sở Xây dựng đạt được trong năm 2020. Đặc biệt, Sở Xây dựng đã triển khai quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là một số sở ngành; trong đó, có ngành xây dựng bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến, thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Nhiều tồn tại, bất cập nổi cộm trong thời gian dài đã được xử lý.

Điển hình là công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực. Những bất cập ở khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Hà Nội đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh đô thị từ năm 2016 đến nay.

Đối với những hạn chế yếu kém và bất cập trong lĩnh vực xây dựng, nhất là các vấn đề xử lý chất thải, vi phạm trật tự xây dựng, cấp nước nông thôn, giải quyết úng ngập, cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, bất cập từ quy hoạch hay chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng cần xác định những việc cần làm ngay và nhanh để tạo chuyển biến rõ ràng trước mắt và lâu dài.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, Sở Xây dựng và các ngành chức năng về quan điểm phát triển đô thị tại 5 cửa ô Thủ đô phải đồng đều, từ trồng cây xanh, vườn hoa, chiếu sáng; trong đó, chiếu sáng cần có công trình tầm cỡ và có tính thẩm mỹ cao tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị.

Sở Xây dựng cũng cần chú ý đến vấn đề thị trường bất động sản, đảm bảo điều hoà thị trường, cân đối cung cầu, lưu thông dòng tiền, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” hay “thành phố ma” trong thị trường bất động sản.

Báo cáo kết quả công tác năm 2020, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, kết quả chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố đạt kết quả khả quan, đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt sớm mục tiêu đến năm 2020 (26,3 m2/người).

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, trồng cây xanh đô thị, hạ ngầm kết hợp chỉnh trang hè phố; duy trì tốt công tác thoát nước và xử lý nước thải; thu gom và xử lý rác thải,... cũng đạt kết quả tích cực.

Ngành xây dựng đã tăng cường, quyết liệt xử lý các vụ vi phạm trật tự xây dựng, qua đó công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị có những chuyển biến tích cực, đã giải quyết được nhiều trường hợp vi phạm, tồn đọng, hạn chế các vi phạm mới phát sinh và không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, ông Võ Nguyên Phong thừa nhận vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Mặc dù việc duy trì vệ sinh môi trường chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc, vẫn còn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Một số khu vực quận, huyện còn để rác tồn đọng trong ngày, có đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự triển khai cơ giới hóa, đầu tư trang bị đầy đủ.

Vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn đã giảm nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Một số công trình vi phạm tồn đọng vẫn chưa giải quyết, xử lý hết. Các dự án cấp nước sạch nông thôn còn chậm tiến độ, cần tăng cường đôn đốc các đơn vị thực hiện.

Úng ngập tại một số điểm chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn bất cập tiếp tục phải chấn chỉnh. Công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn chậm.

Thời gian tới, ngành xây dựng tập trung thực hiện công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị: cấp, thoát nước, thu gom xử lý chất thải, vườn hoa cây xanh, chiếu sáng...Về phát triển đô thị, nhà ở, Sở Xây dựng tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, hoàn thành triển khai thí điểm 5 khu chung cư cũ, hoàn chỉnh nội dung đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tập trung đôn đốc UBND các quận huyện, thị xã di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D...

Để khắc phục các tồn tại và đạt các mục tiêu đề ra, lãnh đạo Sở Xây dựng đã đưa ra hàng loạt đề xuất, kiến nghị.

Đối với  lĩnh vực nhà ở, Sở Xây dựng đề xuất thành phố báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý ngành xây dựng như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017.

Ngoài ra, thành phố sớm ban hành quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng đó, chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc sớm trình Chương trình phát triển đô thị để Sở Xây dựng có căn cứ xây dựng Chương trình phát triển nhà ở và Kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.  

Kiến nghị chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện “Đề án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” trên cơ sở hoàn chỉnh Đề án trước đây, với 5 khu chung cư cũ triển khai thí điểm..../.

>>>Triển vọng cổ phiếu bất động sản công nghiệp 2021: Lợi thế doanh nghiệp có quỹ đất “trống”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục