BIDV "sạch" nợ xấu tại VAMC

15:15' - 07/03/2020
BNEWS Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) đã "sạch" nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Ảnh: BIDV

Thông tin trên được ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của ngân hàng diễn ra sáng 7/3 tại Hà Nội.

Cụ thể, ông Tú cho biết đến cuối năm ngoái, BIDV còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhưng đã trích dự phòng 6.300 tỷ đồng. Sang đến đầu năm nay, ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng cho VAMC và tính đến thời điểm này, BIDV đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.

Năm 2020, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (hiện nay là 9%); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%; tổng tài sản 1.568.000 tỷ đồng; mức thù lao Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát năm 2020 mức tối đa 0,41% lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2020.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh COVID-19. Kịch bản lợi nhuận hiện tại được xây dựng dựa trên giả định dịch hết trong tháng 3 này. Ngân hàng sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.

Lãnh đạo ngân hàng BIDV nhấn mạnh với tình hình này, chưa biết dịch COVID-19 sẽ diễn biến thế nào nhưng chắc chắn sẽ phức tạp. BIDV đã phân tích và đưa ra 8 ngành ảnh hưởng lớn nhất; trong đó có cả ngành tài chính - ngân hàng.

Sau khi có dịch, BIDV đã triển khai các biện pháp như: đánh giá khách hàng và phân tổ khách hàng, nếu khách hàng muốn vay mới thì cho vay mới với gói tín dụng mới; cùng với đó, giãn nợ, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm đầu ra ở những thị trường ít ảnh hưởng bởi dịch. Tại BIDV, nếu thống kê theo các ngành có khả năng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ khoảng 140.000 tỷ đồng.

BIDV đã cam kết gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên trước mắt sẽ triển khai khoảng dưới 30.000 tỷ đồng.

Tại đại hội, người đứng đầu BIDV cũng cho biết thêm về tình hình hoạt động 2 tháng đầu năm 2020. Theo đó, huy động vốn tại BIDV giảm 1,6%, tín dụng giảm khoảng 2%. Tuy nhiên sự suy giảm này được BIDV đánh giá là phù hợp với xu hướng ngành ngân hàng hiện nay những tháng đầu năm khách hàng ít vay cùng với tác động kép từ dịch COVID-19.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị ngân hàng đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng và bầu thêm 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 là ông Lê Kim Hoà, Phó Tổng Giám đốc BIDV và ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018. Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2019 đạt 1.490.105 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018. Theo đó, BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

BIDV là ngân hàng đầu tiên tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp khi chỉ vài giờ trước đó Hà Nội chính thức công bố ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2. Do đó, BIDV đã chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay và bố trí khu vực y tế kiểm tra nhiệt độ nhằm đảm bảo đại hội diễn ra thành công./.

Xem thêm:

>>BIDV trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm hơn 5.300 tỷ đồng

>>BIDV giảm hơn 70% phí giao dịch chuyển tiền online

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục