Biến chủng Omicron: Rủi ro và cơ hội trên thị trường chứng khoán

16:29' - 06/12/2021
BNEWS Biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những rủi ro trong ngắn hạn, nhưng dài hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường có nhiều động lực tăng trưởng.
Trong bối cảnh sự xuất hiện của biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 và thị trường đã quay đầu giảm điểm mạnh trong những phiên gần đây, nhưng giới phân tích nhận thấy rủi ro này chỉ trong ngắn hạn. Về dài hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường có nhiều động lực tăng trưởng.

*Động lực tăng trưởng năm 2022

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, số liệu tháng 11 vẫn cho thấy bức tranh vĩ mô vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho kênh chứng khoán với lạm phát đang được kiểm soát, tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng.

Trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về chương trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 trong bối cảnh bức tranh vĩ mô quý IV có thể gặp nhiều thách thức. Dòng tiền trên thị trường rất năng động có thể bám sát vào các yếu tố này để tìm kiếm cơ hội.

SSI cho rằng, đây là giai đoạn thích hợp để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, SSI nhận thấy đó là rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn nhưng lại là cơ hội rất tốt cho thị trường trong dài hạn khi các hãng dược lớn đều khẳng định họ có thể sản xuất vaccine mới trong vòng 3 tháng, làm giảm thiểu khả năng các đợt giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng như trước đây.

Cùng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng COVID-19 mới gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), kỳ vọng tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu) cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán.

Môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ.

Tốc độ tiêm vaccine tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) hợp lý khoảng 16 lần.

Công ty chứng khoán này nhận định, VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.

Các động lực thúc đẩy thị trường gồm: sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào. 

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn. Cùng đó, triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

*Lọt Top sinh lời cao nhất thế giới

Năm 2021 đánh dấu những mốc kỷ lục của thị trường chứng khoán và chính nhà đầu tư trong nước đã “chắp cánh” cho thị trường bay cao. Việt Nam cũng nằm trong Top thị trường mang lại mức sinh lời cao nhất trên thế giới.

Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, tính đến cuối tháng 11, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, theo sau là thị trường các nước Mỹ với chỉ số S&P 500 tăng 24%, Ấn Độ có chỉ số Sensex tăng 19,5%, Đài Loan (Trung Quốc) có chỉ số TWSE tăng 18,3%.

Năm 2021, VN-Index đã thành công vượt mốc 1.200 điểm và chinh phục ngưỡng 1.500 điểm, dù nền kinh tế trải qua 2 đợt bùng phát dịch liên tiếp. Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ: sau đợt dịch lần thứ 3 hồi cuối tháng 1, thị trường đã tăng gần 11% trong tháng tiếp theo và kéo dài đà tăng trong 5 tháng tiếp theo, giúp VN-Index chinh phục mốc 1.400 điểm; sau khi thị trường giảm điểm mạnh vào tháng 7 lúc đợt dịch lần thứ 4 vượt quá khả năng kiểm soát, thị trường đã nhanh chóng tăng điểm trở lại trong tháng 8 và kéo dài đà tăng cho đến hiện tại, giúp VN-Index chinh phục ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11.

Các nhóm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản, dịch vụ tài chính là những ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2021, với tỷ lệ đóng góp vào mức tăng của VN-Index lần lượt là 31%, 23%, 15%, 10% và 8%.

Cá nhân trong nước mua ròng, là động lực chính hỗ trợ thị trường tăng điểm. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản mỗi tháng kể từ tháng 3. Tổng cộng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản trong 10 tháng, chiếm 99,5% tổng số tài khoản mở mới. Đây là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021.

Trái ngược với trạng thái mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay. Trong 11 tháng, khối ngoại đã bán ròng gần 55 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 2,6 tỷ USD). Đà bán ròng của khối ngoại gia tăng đáng kể trong năm nay, gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Đáng chú ý, khối ngoại đã bắt đầu rút ròng liên tiếp kể từ tháng 8 năm 2019.

Năm 2021, xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường khu vực châu Á như: Hàn Quốc bị rút ròng 25,6 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) bị rút ròng 18,4 tỷ USD, Thái Lan bị bán ròng 2,3 tỷ USD, Philippines cũng bị bán ròng 1,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng 5,5 tỷ USD tại thị trường Ấn Độ và 2,6 tỷ USD tại thị trường Indonesia.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc dòng vốn ngoại lưu chuyển từ các thị trường mới nổi, cận biên về các thị trường Mỹ đã bắt đầu từ 2020, với các lý do chính như: đồng USD lên giá tương đối; các gói kích thích kinh tế lớn ở Mỹ; thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới.

Thêm vào đó, khả năng Mỹ nâng lãi suất điều hành trong tương lai khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trước các nước trên thế giới, cũng như xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục