Biến rác thành điện: Cần cơ chế thúc đẩy đầu tư

09:13' - 03/04/2020
BNEWS Với lượng lớn rác thải tại Việt Nam, đốt rác phát điện có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn MW cung ứng cho hệ thống điện. 

Đốt rác thải để phát điện là một trong những phương pháp tiên tiến hiện nay, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch; đồng thời giảm diện tích đất sử dụng để chôn lấp rác... Với lượng lớn rác thải tại Việt Nam, đốt rác phát điện có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn MW cung ứng cho hệ thống điện. Tuy nhiên, loại hình phát điện này vẫn chưa thực sự phát triển như tiềm năng đang có.
* Tiềm năng từ rác thải
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, mỗi ngày, rác thải sinh hoạt từ đô thị và nông thôn thải ra môi trường khoảng 70.000 tấn; riêng thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thải ra mỗi ngày từ 7.000-8.000 tấn rác.
Tuy nhiên, lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống. Khoảng 85% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp đòi hỏi nhiều quỹ đất; trong đó, còn nhiều bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra. Còn khoảng 15% được sử dụng cho các mục đích khác; trong đó có đốt rác để phát điện.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn do các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển. 
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, lượng rác thải khổng lồ thải ra mỗi ngày là gánh nặng cho xử lý môi trường, nhưng lại là tiềm năng lớn cho việc sử dụng để sản xuất thành điện ở Việt Nam. Việc biến chất thải rắn thành năng lượng có thể giúp cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, thời gian gần đây cũng đã có nhiều dự án được thực hiện như: Điện rác Sóc Sơn, điện rác Phú Thọ, điện rác VIETSTAR, điện rác Thanh Hóa, điện rác Thái Bình, điện rác Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế Thái Nguyên...
Ông Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Nhiệt điện và Năng lượng mới thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) cho biết, trên thế giới có khoảng 1.000 lò đốt phát điện; trong đó châu Âu chiếm 38%, Nhật Bản chiếm 24%, Mỹ chiếm 19%, khu vực Đông Á chiếm 15%... Công nghệ này cũng đang được nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam rất quan tâm, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi có quỹ đất hạn chế, tình trạng ô nhiễm rác thải rắn sinh hoạt.
Hiện nay, PECC1 đảm nhiệm tư vấn thiết kế và tham gia vào nhiều dự án như: Nhà máy điện đốt rác VIETSTAR hiện đại nhất Việt Nam ở Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh đốt 2.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện 40 MW; Nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Đông Nam Á tại Sóc Sơn đốt 4.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện 75 MW, đã khởi công xây dựng tháng 8/2019; Nhà máy đốt rác phát điện Phú Thọ đốt 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện 18 MW…

Các nhà máy này khi hoàn thành sẽ góp phần tận dụng được nguồn năng lượng sinh ra để phát điện, xử lý hiệu quả lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng...
* Cụ thể hóa chính sách ưu đãi
Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến sẽ tăng lên 30% trong năm 2020 và xấp xỉ 70% vào năm 2030. Đến năm 2050, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng.
Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành cũng đang khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.

Tại Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ trong gần 1 năm đã xử lý khoảng 175.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra 53,2 triệu kWh điện. Hiện nay, mỗi ngày, nhà máy xử lý từ 400 - 430 tấn rác, chiếm khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ.
Theo ông Chen Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, sau một năm vận hành đốt rác và phát điện ổn định, công ty quyết định thực hiện mục tiêu xử lý toàn bộ rác sinh hoạt của toàn thành phố, góp phần giúp Cần Thơ giảm áp lực từ các bãi rác đang chôn lấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Song hiệu suất của các nhà máy điện rác khoảng 20-25%, kém hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện khoảng 40-42%. Do công suất điện phát lên lưới quốc gia nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường kéo dài, từ 10 đến 20 năm.
Trong khi đó, giá điện bán lên lưới cho loại hình dự án này được nhà nước ưu đãi là 10,05 cents/kWh, nhà đầu tư có lãi. Nhưng giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Các công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện… lại có giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PECC1 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Cùng với đó, tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện. Hiện nay, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.
Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam đang gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Chẳng hạn, đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 đến 2 năm. Việc chậm triển khai còn do vướng các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành Trung ương, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...
Ngoài những khó khăn trên, việc đầu tư nhà máy điện rác cũng yêu cầu hệ thống xử lý rác đồng bộ, khép kín, tránh gây ô nhiễm môi trường. Điều này khiến cho chi phí xây dựng cao; trong khi đó, chi phí vận hành lớn, phải bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than….
Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây cũng đặt ra mục tiêu đối với điện sinh khối (cây cối, bã nông nghiệp, lâm nghiệp); rác thải, chất thải rắn; trong đó, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát (sử dụng động cơ nhiệt hoặc máy điện để đồng thời tạo ra cả điện và nhiệt hữu ích); tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cần phải có cơ chế cho điện rác để thu hút và thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực này.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, mặc dù không còn mới, song điện rác vẫn đang là lĩnh vực đầu tư khá khiêm tốn ở Việt Nam so với điện mặt trời và điện gió. Vì thế, Việt Nam cần sớm có các cơ chế khuyến khích, cụ thể hơn về giá điện, các quy chuẩn hay các quy định về quản lý chất thải... để tăng thu hút nhà đầu tư.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PECC1 cũng kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư... nhằm hỗ trợ thúc đẩy loại hình điện rác phát triển/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục