Bình Dương họp khẩn với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng

20:10' - 10/04/2025
BNEWS Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp khẩn với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành liên quan nhằm đánh giá tác động từ chính sách thuế nhập khẩu Hoa Kỳ.

Ngày 10/4, tại UBND tỉnh Bình Dương, ông Bùi Minh Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành liên quan nhằm đánh giá tác động từ chính sách thuế nhập khẩu Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của các sở, ngành, Bình Dương hiện là một trong những trung tâm kinh tế năng động hàng đầu miền Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 59 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD (tăng 12,7%), nhập khẩu 24,5 tỷ USD (tăng 12,2%), thặng dư thương mại ước đạt 10 tỷ USD.

Riêng thị trường Hoa Kỳ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, đóng góp trên 43% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm gần đây.

Chỉ trong vòng ba ngày sau thông báo (từ 5/4 đến 8/4), Bình Dương đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Hoa Kỳ thông báo hủy hoặc tạm dừng. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất là: gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.

 

Hiện tại, mỗi hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương đang xây dựng kịch bản riêng, chuẩn bị tình huống cho cả hai khả năng: Hoa Kỳ giữ nguyên thuế hoặc tiếp tục tăng sau 90 ngày.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN

Tại cuộc họp ông Nguyễn Liêm, đại diện Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương cho biết: Ngành gỗ đang đối mặt với cuộc điều tra của Hoa Kỳ mở rộng nhằm xác định liệu các sản phẩm gỗ có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có gian lận thương mại hay gây mất việc làm cho người lao động bản địa hay không.

Bình Dương hiện xuất khẩu sang thị trường này hơn 6 tỷ USD mỗi năm, nếu chính sách thuế này được áp dụng, tổn thất với doanh nghiệp là vô cùng lớn. Ông Liêm cho rằng, mức thuế cao nhất ngành gỗ có thể chịu đựng là 10%, nếu vượt ngưỡng này, sức cạnh tranh sẽ suy giảm từ 30–40%.

Đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, ông Phan Thành Đức cho hay, ngành đang chịu thuế cơ bản 16,6%, nếu cộng thêm 10%, tổng mức thuế là 26,6%, gây áp lực cực lớn. “Ngay sau khi có thông tin, nhiều khách hàng Hoa Kỳ đã tạm ngừng nhập khẩu, giữ hàng tại kho và yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ phần thuế. Nếu không chia sẻ, mất khách; nếu chia sẻ thì không còn lợi nhuận”.

Ông Phan Thành Đức cũng dự báo rằng nếu tình hình kéo dài sang mùa sản xuất thứ hai, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm lao động. Một số doanh nghiệp tính đến việc quy hoạch lại thị trường, chuyển hướng sang châu Âu, nhưng thừa nhận thị trường này khó tính và nhiều rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị áp lực giao hàng trong vòng 90 ngày, dẫn tới việc phải chuyển từ tàu sang máy bay để kịp tiến độ làm đội chi phí vận chuyển lên rất cao.

Đại diện Hiệp hội Giày da tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Quang Vũ cho rằng, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, mà cần mở rộng sang các thị trường ngách có tiềm năng khác và thu hút nhiều khách hàng nhỏ lẻ quay lại Việt Nam tìm nguồn hàng.

Để đáp ứng nhu cầu này, hiệp hội đề xuất thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại Việt Nam nhằm giúp khách hàng tiếp cận, trải nghiệm và lựa chọn mẫu mã phù hợp. Ngoài ra, các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) cũng được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển nếu doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội.

Về lâu dài, ngành cần được hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các nguyên liệu như cao su làm đế giày và chi tiết linh kiện. Hiệp hội cũng kiến nghị xây dựng các khu chợ chuyên biệt để doanh nghiệp có thể thường xuyên giới thiệu và bán sản phẩm, thay vì phụ thuộc vào các hội chợ lớn tổ chức định kỳ thưa thớt.

Các buổi kết nối giao thương giữa các tỉnh hoặc liên kết vùng cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hiệp hội mong muốn các cơ quan liên quan như phòng cháy chữa cháy và môi trường có những chính sách kiểm tra hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thành Trọng, đại diện Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, xuất khẩu đi Hoa Kỳ là hàng đặc thù, nên chưa bị ảnh hưởng nhiều do khách hàng vẫn chấp nhận giá cao.

Hiện, Chính phủ đang phản ứng rất nhanh nhạy nên ông mong tỉnh cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục môi trường và phòng cháy chữa cháy – cái nào quyết được thì quyết ngay. Đồng thời, ông đề xuất tăng cường phát triển thị trường nội địa và nâng cao chất lượng lao động ngành điện – vốn đang thiếu hụt nhân lực tay nghề cao.

Đại diện Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, ngành cũng gặp nhiều khó khăn. 60% sản phẩm xuất sang Hoa Kỳ, 40% còn lại đi châu Âu. Đây là mặt hàng không thiết yếu, nên dễ bị cắt giảm khi người tiêu dùng Hoa Kỳ thắt chặt chi tiêu.

“Dù có giảm giá, khách cũng không mua như trước”, ông Thành nói và phản ánh thêm việc nguyên liệu chính như cao lanh đang khan hiếm, giá cao. Mong muốn tỉnh có chính sách khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Về phía Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp cho biết khi hàng đang làm thủ tục hải quan, thậm chí đã lên tàu, thì khách hàng Hoa Kỳ bất ngờ yêu cầu tạm dừng giao hàng. Tình thế này, khiến doanh nghiệp lúng túng, chỉ biết chờ đợi kết quả từ các cuộc đàm phán cấp cao.

Đáng lo ngại hơn, các doanh nghiệp lo ngại rằng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách địa phương, mất việc làm diện rộng, đồng thời làm giảm sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không có giải pháp kịp thời, dòng vốn FDI có thể chuyển hướng sang các quốc gia trong khu vực để tránh rủi ro thuế quan, ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế.

Về phía ngành hải quan, lãnh đạo Chi cục Hải quan khu vực XVI được yêu cầu quán triệt tinh thần trách nhiệm, bố trí cán bộ xử lý thủ tục ngoài giờ nếu doanh nghiệp yêu cầu, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để hàng hóa được thông quan nhanh chóng. Một số kiến nghị cụ thể khác như: đẩy nhanh hoàn thuế, hạn chế chuyển luồng soi chiếu, hỗ trợ kéo dài thời gian lưu kho ngoại quan... cũng đang được xem xét.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí nhấn mạnh bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại. Trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các sản phẩm công nghệ cao, thì lại xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp minh bạch hơn nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "đội lốt", gian lận thương mại trong xuất khẩu.

Ông Bùi Minh Trí cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động, đồng thời kịp thời phản ánh khó khăn đến tỉnh để các tổ công tác phản ứng nhanh từ các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ kiến nghị tạm giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 6 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục