Bình Dương khát vọng vươn tầm - Bài 1: Thủ phủ công nghiệp thế hệ mới

09:17' - 19/04/2025
BNEWS Trên chặng đường bứt phá và hướng tới tương lai bền vững của Bình Dương đã quy tụ khát vọng, công nghệ, khai thác động lực đầu tư, hạ tầng kết nối và cú hích từ những dự án tỷ USD.

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bình Dương khẳng định vị thế thủ phủ công nghiệp bằng những bước đi chiến lược, đón đầu làn sóng đầu tư tỷ đô và kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trên chặng đường bứt phá và hướng tới tương lai bền vững của Bình Dương đã nơi quy tụ khát vọng, công nghệ, khai thác động lực đầu tư, hạ tầng kết nối và cú hích từ những dự án tỷ USD.

 

Bài 1: Thủ phủ công nghiệp thế hệ mới

Tháng 4/2025, khi cả nước hướng về mốc son 50 năm ngày thống nhất đất nước, Bình Dương tiếp tục ghi dấu trên bản đồ công nghiệp Việt Nam bằng những bước đi mạnh mẽ: thông qua quy hoạch khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 quy mô gần 800 ha, triển khai hệ thống hạ tầng liên vùng, đồng thời chào đón làn sóng đầu tư FDI thế hệ mới – thân thiện môi trường, tích hợp công nghệ cao. Không còn là vùng đất “chuyên gia công”, Bình Dương đang định hình rõ nét vai trò trung tâm sản xuất hiện đại, xanh hóa, ứng dụng số hóa và phát triển bền vững - một “thủ phủ công nghiệp thế hệ mới” chuyển mình đón chu kỳ phát triển công nghiệp công nghệ cao - xanh - thông minh.

Dòng vốn xanh mở ra chu kỳ mới

Bình Dương đã thu hút hơn 43 tỷ USD vốn đầu tư, đứng top đầu cả nước. Đáng chú ý, dòng vốn này đến từ các tập đoàn lớn với yêu cầu cao về công nghệ, môi trường và năng lực hạ tầng.

Ngày 9/4 vừa qua, Nhà máy LEGO trị giá 1,3 tỷ USD chính thức vận hành tại Khu công nghiệp VSIP III – Tân Uyên. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo và tích hợp dây chuyền sản xuất thông minh bậc nhất hiện nay. Những lô sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu LEGO “sản xuất tại Bình Dương” đã lên đơn hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, ghi dấu ấn mạnh mẽ cho hình ảnh một vùng đất công nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập.

Không lâu sau, Pandora - tập đoàn trang sức hàng đầu thế giới – cũng tăng tốc xây dựng tổ hợp sản xuất tại Tân Uyên với định hướng “không phát thải” ngay từ khâu thiết kế. Các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon Mall và Central Retail tiếp tục mở rộng hệ thống tại Bình Dương, tích hợp trung tâm logistics hiện đại, hình thành mạng lưới tiêu dùng – giao nhận hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí.

Các tập đoàn quốc tế đều thống nhất một nhận định Bình Dương là địa phương có năng lực thực thi mạnh, thủ tục đầu tư rõ ràng, và môi trường sống ngày càng văn minh, tiện nghi -phù hợp với chuyên gia, kỹ sư và lao động chất lượng cao.

Trong khi đó, doanh nghiệp FDI đã đầu tư lâu năm tại tỉnh cũng tiếp tục mở rộng quy mô. Ông Nguyễn Viết Thanh – đại diện Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước – Tp. Bến Cát) cho biết: Khi tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 10,5%, doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ. Với đà phát triển hiện tại, Kumho tin rằng mình có thể đáp ứng tốt kỳ vọng ấy.

Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam hiện là một trong những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu khu vực. Được thành lập từ năm 2007 với vốn đầu tư ban đầu 308 triệu USD, đến năm 2021, công ty nâng vốn lên 608 triệu USD, mở rộng thêm 6 ha nhà xưởng, nâng công suất lên 12,5 triệu lốp/năm. Trong năm 2025, Kumho dự kiến triển khai giai đoạn 3 với vốn tăng thêm 300 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 908 triệu USD, công suất dự kiến đạt 17 triệu lốp/năm, hướng tới tiêu chuẩn công nghệ và môi trường toàn cầu.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, địa phương không chọn tăng trưởng bằng mọi giá mà ưu tiên nhà đầu tư có trách nhiệm môi trường, ứng dụng công nghệ sạch, sản xuất thông minh. Trải "thảm đỏ" là điều kiện cần, nhưng "trải thảm xanh" mới là điều kiện đủ để phát triển bền vững.

Cùng với LEGO, hàng loạt "ông lớn" quốc tế khác như Pandora, Aeon Mall… cũng mở rộng đầu tư tại Bình Dương, tạo thành làn sóng công nghiệp thế hệ mới. Điểm chung của các dự án này là yêu cầu cao về môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật và mô hình tích hợp giữa sản xuất - logistics - tiêu dùng.

Bệ phóng hạ tầng

Không chỉ dừng ở thu hút đầu tư, Bình Dương còn là địa phương chủ động kiến tạo “sân chơi” cho công nghiệp thế hệ mới. Trong quý II/2025, tỉnh đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn như: đường ven sông Sài Gòn, đường Vành đai 4, cảng sông An Tây, mở rộng kết nối vùng với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Nguyên.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Dương đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 – Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), với tổng vốn đầu tư ước tính 56.301 tỷ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 29,01 km, bắt đầu từ Trung tâm Thành phố mới Bình Dương và kết nối với ga Suối Tiên (Tp.Thủ Đức), đi qua 4 thành phố lớn của tỉnh gồm: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Trong đó, đoạn chính đi trên cao, kết hợp các điểm trung chuyển, đấu nối với hệ thống metro TP.Hồ Chí Minh. Tuyến metro này khi hoàn thành không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh sau hợp nhất tỉnh, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ kết nối vùng, phát triển logistics đô thị, đồng thời hỗ trợ quá trình đô thị hóa thông minh và tăng sức hấp dẫn đầu tư.

“Bình Dương không phát triển đơn độc. Mỗi tuyến đường, mỗi dòng vốn, mỗi khu công nghiệp mới đều là mắt xích kết nối trong tổng thể liên kết vùng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên và vươn tầm cả nước” – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết.

Song hành với hạ tầng, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các khu công nghiệp tích hợp công nghệ cao. Các dự án như VSIP III, Cây Trường, Rạch Bắp đang mở rộng đều hướng tới tiêu chuẩn nhà máy xanh - thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và kiểm soát khí thải chặt chẽ. Quỹ đất sạch được chuẩn bị trước, quy hoạch đồng bộ, giúp rút ngắn thời gian triển khai của nhà đầu tư.

Hiện quy mô nền kinh tế của Bình Dương được ghi nhận GRDP đạt hơn 520.200 tỷ đồng, đứng trong nhóm cao nhất cả nước. Tính đến đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh đạt 6,74%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất khẩu vượt 8,5 tỷ USD, thu ngân sách hơn 24.700 tỷ đồng, tăng 32%.

Không chỉ tăng về lượng, Bình Dương đang chuyển dịch mạnh về chất: phát triển ngành công nghiệp sạch, khuyến khích đầu tư công nghệ cao, logistics hiện đại, năng lượng tái tạo. Theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2050, Bình Dương dự kiến phát triển 48 – 50 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 25.000 ha hướng đến một vùng sản xuất, đổi mới gắn với dịch vụ tích hợp tầm khu vực.

Cùng đó, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng. Toàn bộ 28 khu công nghiệp đang hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất gần 190.000 m3/ngày, tỷ lệ đấu nối nước thải và xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trên 95%. Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khu công nghiệp sinh thái, làm nền tảng cho chuyển đổi xanh toàn diện.

Từ một tỉnh công nghiệp truyền thống, Bình Dương đang từng bước trở thành điểm đến của dòng vốn chất lượng cao, nơi quy tụ công nghệ xanh, logistics hiện đại và nguồn nhân lực toàn cầu. Việc chuyển đổi từ “công xưởng sản xuất” sang trung tâm công nghiệp bền vững, sáng tạo không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là lựa chọn phát triển chiến lược của tỉnh.

Bình Dương không chỉ đang khẳng định vai trò là trung tâm công nghiệp hiện đại mà còn cho thấy tầm nhìn phát triển bền vững thông qua hệ sinh thái sản xuất xanh, công nghệ cao và kết nối thông minh. Với chiến lược chủ động liên kết vùng và tinh thần kiến tạo một động lực tăng trưởng mới, hiệu quả và hài hòa, đồng thời sẵn sàng ‘hợp lực’ cùng TP. Hồ Chí Minh nâng tầm chất lượng phát triển mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục