Bình minh trong veo nơi mảnh đất “chín rồng”

09:55' - 03/02/2019
BNEWS Một bức tranh đầy màu sắc của trái cây miền Tây Nam Bộ ngày một sáng tỏ dưới ánh mặt trời dịu dàng buổi sớm.
Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm từ lúc mờ sáng đến 8, 9 giờ là vãn. Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN

Về Cần Thơ những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp được tận hưởng cái cảm giác chòng chành trên chiếc ghe nhỏ, ngắm nhìn bình minh trong veo nơi mảnh đất “chín rồng”, giữa khung cảnh mênh mông sông nước, tấp nập bán mua của chợ nổi buổi sớm.

Xuất phát lúc 5 giờ sáng khi cả thành phố còn chìm trong màn đêm, chỉ mất khoảng 30 phút xuôi theo dòng sông Hậu, chúng tôi đã đến được khu vực chợ nổi sầm uất nhất mảnh đất Tây Đô - Chợ nổi Cái Răng.

Ghe, thuyền lớn nhỏ san sát nhau trên chợ nổi. Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN

Không quá khó để hiểu vì sao lại gọi là “chợ nổi” khi mà trước mắt chúng tôi có tới hàng trăm ghe, thuyền lớn nhỏ đang trao đổi hàng hóa trên sông. Tiếng người mua kẻ bán, tiếng máy nổ xình xịch hòa cùng tiếng sóng vỗ ì oạp nơi mạn thuyền..., tất cả tạo nên một cảnh tượng sầm uất không kém gì những khu chợ trên cạn.

Đem thắc mắc về tên Cái Răng hỏi người lái ghe đồng hành cùng chúng tôi, được biết tục truyền từ thời xa xưa, khi vùng đất Nam Bộ còn âm u, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào mảnh đất này nên gọi là Cái Răng. Lưu truyền là vậy, nhưng cũng chẳng ai biết là đúng hay sai.

Một số người khác thì lại nói rằng, người Khơ-me xưa chuyên làm cà ràng (một loại bếp của người Nam Bộ), rồi chất lên ghe lớn xuôi theo dòng sông cái đến buôn bán ở khúc sông này nên gọi là Chợ Cà Ràng và lâu dần phát âm thành Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối, chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Mặt trời ló rạng nơi chân trời cũng là lúc chợ nổi sôi động nhất và chúng tôi cũng đã kịp di chuyển vào tới khu vực trung tâm của chợ. Cả khu chợ khi ấy như phình to ra, ghe, thuyền phủ lấp gần kín cả mặt sông khiến những người lần đầu đặt chân tới không khỏi ngỡ ngàng.

Giữa hàng trăm ghe, thuyền ấy, họ bán những gì? Chẳng có lấy một tấm biển quảng cáo nào mà ghe lớn, ghe nhỏ của các thương lái lẫn khách du lịch vẫn tấp nập ra vào, trả giá bán - mua. Câu trả lời nằm ngay trên những cây “bẹo”.

Đó là những cây sào dài, cắm ở đầu các ghe, thuyền. Bán gì treo nấy. Thuyền bán bí ngô thì bí ngô treo lủng lẳng; thuyền bán khoai, ngô... thì treo mấy củ khoai, bắp ngô...

"Treo gì bán nấy" - cách nhận biết nhanh nhất những sản vật được bán trên mỗi ghe là nhìn lên những "cây bẹo". Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa độc đáo mà chỉ chợ nổi mới có - một cách quảng cáo sản phẩm không ồn ào, nhưng lại mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị riêng.

Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng, từ nông sản, hàng thủ công, nhu yếu phẩm đến cả đồ ăn, thức uống để phục vụ cho du khách tham quan chợ. Chỉ từ 20.000-30.000 đồng cho một bát bún riêu “bự chà bá” với đủ cả riêu, giò, thịt, tiết... hay 10.000 đồng cho một ly cà phê đá thơm nức mũi giữa mênh mang sông nước. Hương vị nơi đây thật sự rất khác biệt!

Bên cạnh các xuồng trái cây, nông sản, còn có cả xuồng hủ tiếu, bún riêu cua, cà phê hay quán nhậu nổi phục vụ nhu cầu người đi chợ. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Vừa thưởng thức đủ loại trái cây, đặc sản miền Tây, chúng tôi lại vừa thỏa sức ngắm nghĩa, quan sát những chiếc xuồng con của các thương lái nhỏ đang khéo léo len lỏi qua hàng trăm ghe, thuyền khác, thiện nghệ áp mạn ghe bán hàng rồi thu tiền.

Một bức tranh đầy màu sắc của trái cây miền Tây Nam Bộ ngày một sáng tỏ dưới ánh mặt trời dịu dàng buổi sớm. Nào sầu riêng, chôm chôm, nào xoài, dừa, dứa, dưa, quýt, bưởi... gi gỉ gì gi, quả gì cũng có. Khách Ta, khách Tây tất cả như bị cuốn vào nhịp buôn bán sôi động đang diễn ra trên sông.

Bên cạnh các xuồng trái cây, nông sản, còn có cả xuồng hủ tiếu, bún riêu cua, cà phê hay quán nhậu nổi phục vụ nhu cầu người đi chợ. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Ghé vào một chiếc ghe nhỏ bán dứa giữa chợ, chị Sáu Út (chủ ghe) cho biết vợ chồng đã lênh đênh trên sông nước từ khi còn là những đứa trẻ ẵm ngửa. Rồi khi lớn lên, dựng vợ gả chồng, họ lại nối tiếp nghiệp của mẹ cha, buôn bán mưu sinh trên dòng sông này.

Vừa thoăn thoắt gọt dứa, chị Sáu Út vừa chia sẻ: “Chợ ở đây đông nhất là tầm 6-7 giờ sáng, chỉ một lát nữa là chợ sẽ vãn. Mỗi ngày bán dứa tính ra lãi được 100-200 ngàn, cũng vừa đủ để lo cho sắp nhỏ”. Nói rồi chị nhoẻn miệng cười nhìn sang cô bé con chưa đầy 2 tuổi đang loay hoay chơi với con rối nhỏ.

Chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, xoài, dừa, dứa... thức nào cũng tươi ngon, hấp dẫn... Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Đã qua bao năm tháng, nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn giữ được nguyên những nét đặc trưng vốn có. Từng ánh mắt, nụ cười bình dị, đôn hậu của những con người vùng sông nước Nam Bộ đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách có dịp ghé chân tới đây!

Chòng chành xuống chợ ngẩn ngơ

Tại sông nước hay bất ngờ mắt ai.

(Trích “Chợ nổi Cái Răng” - Nguyễn Đình Xuân)

>>> Chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành điểm du lịch quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục