Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng thấp nhất kể từ 2016

10:53' - 29/05/2021
BNEWS Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/5, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Tuy nhiên, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% (khu vực thành thị và khu vực nông thôn cùng tăng 0,16%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5/2021 có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.

Trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và 12/5/2021, trong đó bình quân giá xăng E5 tăng 440 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 370 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 450 đồng/lít.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng Năm tăng 0,04% so với tháng trước, chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 làm chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng…

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 có mức giảm so với tháng trước nhiều nhất với 0,23% do du lịch trọn gói giảm 0,7%.

Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01% so với tháng trước.

Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2021 như: giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7,27% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 5 tháng đầu năm 2021 tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 5 tháng đầu năm tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước…

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 5 tháng đầu năm 2021; đó là giá các mặt hàng thực phẩm 5 tháng đầu năm giảm 0,06% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 2,19%, giá thịt gà giảm 2,28%.

Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV năm 2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 4,56% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,15%.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 5 tháng đầu năm giảm 5,71% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 15,58%; giá du lịch trọn gói giảm 3,02%.

Cũng trong tháng 5, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/5/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 4,38% so với tháng 4/2021. Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng; đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá.

Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 19,24%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm 0,21% do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Tính đến ngày 25/5/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 90,39 điểm, giảm 1,36 điểm so với tháng trước.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.160 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 0,85%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây./. 

>>>Hoàn thiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục