Bình Thuận đưa dự án nuôi gà công nghệ cao lớn nhất vào hoạt động

20:39' - 17/01/2025
BNEWS Chiều 17/1, Công ty cổ phần Mebi Farm đã tổ chức khánh thành đưa Khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao Mebi Farm (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) vào hoạt động.

Đây cũng là dự án chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao quy mô lớn nhất tỉnh Bình Thuận hiện nay.

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao được khởi công từ năm 2021, trên diện tích hơn 70 ha, được quy hoạch bài bản, đồng bộ từ hệ thống giao thông, xử lý nước thải, xử lý môi trường, đến điện năng lượng tái tạo, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và ESG (Môi trường – Xã hội – Quản lý vận hành) mới nhất.

 

Dự án được Mebi Farm đầu tư với quy mô 1,2 triệu gà đẻ trứng và 400.000 gà hậu bị, ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống chuồng gà được thiết kế và vận hành hoàn toàn tự động, kết nối đồng bộ với các hệ thống công năng khác, tạo nên chuỗi sản xuất khép kín và sản phẩm chất lượng cao. Toàn bộ quy trình được truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, từ nguyên liệu đầu vào đến khâu hoàn thiện sản phẩm.

Khu vực chăn nuôi gồm 2 khu riêng biệt: khu nuôi gà mái giai đoạn hậu bị và khu nuôi gà giai đoạn đẻ trứng thương phẩm. Ngoài ra, một khu sơ chế, phân loại và đóng gói trứng được trang bị hệ thống máy móc tự động, kết nối liên hoàn với khu chuồng gà. Để giải quyết triệt để vấn đề môi trường, hệ thống thu gom phân tự động chuyển phân gà tươi thành phân hữu cơ theo công nghệ COMPO Nhật Bản.

Ông Huỳnh Công Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mebi Farm chia sẻ, sau hơn 3 năm hợp tác với các đối tác quốc tế, cùng với kinh nghiệm thực tế của Mebi Group, công ty đã quy hoạch và xây dựng nên nông trại đô thị sinh thái và khu chăn nuôi công nghệ cao Mebi Farm này. Mục tiêu của dự án là hướng tới việc cung cấp những quả trứng đạt tiêu chuẩn cao nhất về dinh dưỡng, an toàn và truy xuất nguồn gốc.

Được biết, toàn bộ trang thiết bị và công nghệ trong trang trại đều được cung cấp bởi các tập đoàn danh tiếng như: Hytem (Nhật Bản), Big Herdsman (Trung Quốc), Bolong và Nabel (Nhật Bản). Tổng mức đầu tư dự án trong 2 giai đoạn là hơn 1.600 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây được xem là khu chăn nuôi sử dụng công nghệ tiến tiến nhất thế giới hiện nay.

Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế của Bình Thuận. Theo danh mục các dự án dự kiến ưu tiên huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Ủy ban nhân dân tỉnh cho thấy, ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sẽ có 15 dự án.

Đơn cử như: dự án đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư hạ tầng Khu phức hợp phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao Sông Bình; Dự án đầu tư hạ tầng Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao (Tuy Phong)… Từ những kết quả khởi đầu, cùng sự khơi mở các chính sách thu hút đầu tư thời gian tới, kỳ vọng kinh tế của tỉnh nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng trên địa bàn sẽ không ngừng khởi sắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục