Bình Thuận tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

15:54' - 21/06/2023
BNEWS Các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém dẫn đến việc “tụt hạng” chỉ số PCI, từ đó tìm lời giải cho bài toán cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sáng 21/6, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị báo cáo phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2022 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số xanh tỉnh Bình Thuận năm 2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém dẫn đến việc “tụt hạng” chỉ số PCI, từ đó tìm lời giải cho bài toán cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu năm 2023 và những năm tiếp theo xếp hạng chỉ số PCI và PGI của tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 30 của cả nước.

 
Các ý kiến cho rằng, việc xây dựng, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài; việc cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt; việc công khai nhiều loại thông tin và tài liệu chưa thật sự đáp ứng với mong muốn doanh nghiệp; sự chậm trễ, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến… là những “điểm nghẽn” khiến chỉ số PCI chưa được cải thiện.

Nhằm tiếp tục cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức về cải thiện môi trường kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhất quán chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều hình thức, cầu thị lắng nghe và kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả; phải tìm cách giữ chân được doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy trình, quyết định gây phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng…

Ông Mai Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông tin, chỉ số PCI Bình Thuận năm 2022 được thực hiện dựa trên điều tra, khảo sát từ 123/8.300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; trong đó, có 91 doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Trong Bảng xếp hạng PCI năm 2022, Bình Thuận đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 21 bậc; đạt 64,39 điểm, giảm 1,57 điểm so với năm 2021. Đây là năm chỉ số PCI tỉnh Bình Thuận giảm bậc sâu nhất, xét trong giai đoạn 2019- 2022.

Trong số 10 tiêu chí thành phần, Bình Thuận có 6 tiêu chí tăng điểm như: gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Còn lại, 4 tiêu chí giảm điểm tiếp cận đất đai; tính minh bạch; tính năng động của chính quyền tỉnh và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ số xanh cấp tỉnh, Bình Thuận cũng đứng vị trí khá thấp (61/63 tỉnh, thành phố, đạt 12,75 điểm)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục