Bình Thuận tìm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long

20:32' - 21/01/2021
BNEWS Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia Hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Sáng 21/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững thanh long trong thời gian tới.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án “Thúc đẩy an ninh con người - Không để ai lại phía sau thông qua ứng phó tổng hợp với COVID- 19 tại Việt Nam”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2021, Bình Thuận có khoảng 33.700 ha thanh long, tăng hơn 20.000 ha so với năm 2010. Sản lượng thu hoạch thanh long năm 2020 đạt 697.000 tấn. Tỉnh có 11.400 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 517 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Trong những năm qua, cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng. Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập rất lớn cho nông dân ở các vùng trồng thanh long.

Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Do đặc thù là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên khâu tiêu thụ thanh long hiện vẫn là khâu yếu nhất.

Dịch COVID- 19 đã khiến việc xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng nặng nề; các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị trì trệ, người dân gặp nhiều khó khăn…

Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”. Trong khi hơn 90% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thị trường này lại siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn; trong đó, có yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng…

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung các nguồn lực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp… tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19.

Song song đó, ngành nông nghiệp kêu gọi người dân đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, để phục vụ nội địa và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới; khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế…

Để phát triển bền vững cây thanh long trong thời gian tới, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp như: tiếp tục phát triển thanh long an toàn theo chuẩn VietGAP và phải triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành thanh long, thực hiện liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ; đa dạng hóa sản phẩm thanh long… cũng là những giải pháp cần thiết để giữ vững và phát triển thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Theo ông Trần Văn Khanh, Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tuc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia Hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây, rau quả trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Xác định Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản; trong đó, có thanh long, bên cạnh việc phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc để nắm bắt, cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu với Trung Quốc, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắt…

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận nhận định: trong thời gian tới, khả năng giá thanh long sẽ chậm tăng giá nên người trồng thanh long nên hạn chế sản xuất, cần bố trí mùa vụ hợp lý, rải vụ để tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, hàng hóa bị ứ đọng…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về thực trạng sản xuất thanh long trên địa bàn Bình Thuận; chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ thanh long; ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu thanh long…

Các đại biểu cho rằng, tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất thanh long Bình Thuận chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục