Bình Thuận yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

11:22' - 19/07/2023
BNEWS Tỉnh Bình Thuận vừa yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại các dự án đã có danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã ghi vốn chuẩn bị đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án làm cơ sở đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

 

Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, gắn trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.

Đối với các dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải tích cực bám sát các sở, ngành và các địa phương liên quan trực tiếp thực hiện giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm; chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy nhanh kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu với các dự án có sử dụng vốn ODA, chủ đầu tư chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương và nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai

Đối với công trình đã có khối lượng thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán vốn, không để dồn vào cuối năm mới thanh toán, gây áp lực ngân sách. Đối với các công trình khởi công mới năm 2023 khẩn trương thực hiện đấu thầu xây lắp.

Các đơn vị thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện dự án, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, dù có nhiều cố gắng của các đơn vị liên quan, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 còn rất thấp.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 12/5 đạt 1.200 tỷ đồng (chỉ đạt 25,96% kế hoạch năm 2023); ước giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 48,42% kế hoạch. Ủy ban nhân dân tỉnh đã biểu dương 6 cơ quan, đơn vị  có kết quả giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn năm 2023, là Sở Giao thông Vận tải; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Ủy ban nhân dân thị xã La Gi và Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam.

Ủy ban nhân tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý một số chủ đầu tư kết quả giải ngân đạt thấp; trong đó có 19 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 50%; 14 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch. Bên cạnh đó, vốn ngoài nước (ODA) kế hoạch 134 tỷ đồng; tuy nhiên, giải ngân đến ngày 30/6 chỉ đạt 8,9% kế hoạch.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp chủ yếu tập trung ở bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án đang trong quá trình triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu nên chưa có khối lượng thanh toán và giải ngân; một số dự án chậm tiến độ do phát sinh nội dung, hạng mục phải điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư. Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục