Bịt "lỗ hổng" trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội

15:07' - 08/11/2020
BNEWS Nhiều năm qua, lợi dụng các kẽ hở của chính sách, nhiều đơn vị sử dụng lao động và người lao động đã luôn tìm cách lạm dụng, trục lợi, đe dọa sự mất cân đối thu-chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Vốn được coi là “phao cứu sinh” cho người lao động khi gặp các biến cố, nhưng trong nhiều năm qua, lợi dụng các kẽ hở của chính sách, nhiều đơn vị sử dụng lao động và người lao động đã luôn tìm cách lạm dụng, thậm chí là trục lợi, đe dọa sự mất cân đối thu-chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trợ cấp thai sản và trợ cấp thất nghiệp là hai chế độ bảo hiểm bị trục lợi nhiều nhất.

* Muôn kiểu lách luật

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ thai sản của chị N.T.M, làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn BM Tranding Services. Điều đáng chú ý, chỉ trước thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, từ mức lương 4,5 triệu đồng cho vị trí nhân viên văn thư, chị M. đã được tăng lương lên đến 12 triệu đồng.

Tương tự, một nữ nhân viên kinh doanh khác của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Quốc tế cũng được tăng lương một cách đáng ngờ khi mang thai. Nhân viên này được tăng lương từ 5 triệu đồng lên 18 triệu đồng trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ thai sản.

Sau khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, Bảo hiểm xã hội Quận 1 đã tiến hành kiểm tra và được doanh nghiệp giải trình, nhân viên này mới được thăng chức trở thành phó giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối chiếu lại một lần nữa, cán bộ Bảo hiểm xã hội Quận 1 phát hiện, mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người đứng đầu doanh nghiệp này cũng chỉ là 5 triệu đồng.

Đây là hai trong nhiều trường hợp làm hồ sơ giả tăng lương gấp nhiều lần lương thực tế để hưởng chế độ thai sản nhiều hơn mà Bảo hiểm xã hội Quận 1 phát hiện trong năm 2020. Ông Phạm Việt Tiến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quận 1 cho biết, từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020, qua xác minh nghỉ hưởng chế độ thai sản, đơn vị này đã phát hiện 95 doanh nghiệp với 99 trường hợp trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội. Ngay sau khi phát hiện, đơn vị này đã thực hiện thoái thu ở 82 doanh nghiệp với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Tiến, tại điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định rõ: Người lao động hưởng chế độ thai sản được nhận mức trợ cấp mỗi tháng bằng 100% bình quân của mức lương 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, với điều kiện trong 6 tháng đó người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tăng lương đột biến cho phụ nữ mang thai 6 tháng trước khi sinh để hưởng chế độ trợ cấp cao hơn. Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp quy mô hộ gia đình cũng xuất hiện tình trạng đưa người nhà đang mang thai vào ký hợp đồng lao động để được hưởng chế độ thai sản dù người đó không phải là nhân viên thực tế của công ty.

Hoặc một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng khi lao động có thai mới bắt đầu đóng bảo hiểm chỉ vừa đủ 6 tháng để hưởng chế độ....

Không chỉ chế độ bảo hiểm thai sản, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cũng là chế độ bị nhiều người lợi dụng các "kẽ hở" để thu lợi bất chính. Dù đã tìm được việc mới sau khi nghỉ làm ở công ty cũ nhưng anh T.M.B (ngụ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để thực hiện điều này, anh thỏa thuận với công ty mới chưa thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội ngay mà chờ đến 3 tháng sau khi người này nhận xong trợ cấp thất nghiệp mới đóng tiếp.

Ông Hồ Trần Hoàng Anh, chuyên viên Phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố không kiểm soát người lao động đã có việc làm hay chưa trong thời hạn 15 ngày kể từ khi người lao động nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì thế, tình trạng người lao động dù đã có việc làm mới nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp diễn ra khá phổ biến.

* Còn nhiều "kẽ hở"

Lý giải về tình trạng chưa thể kiểm soát được tình trạng người lao động và doanh nghiệp lách luật để lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp khá dễ, người lao động chỉ cần có các loại giấy tờ như quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc, sổ Bảo hiểm xã hội đã chốt, chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vì thế, một số người lao động dù đã xin được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hay một số đơn vị sử dụng lao động và người lao động "bắt tay" để cùng trục lợi như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi thực tế người lao động vẫn làm việc hoặc người lao động nghỉ việc khi chưa đủ 12 tháng vẫn cố tình kéo dài thời gian để đủ điều kiện hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp....

Riêng với chế độ trợ cấp thai sản, ông Trần Dũng Hà nhìn nhận, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều kẽ hở để các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng. Bởi lẽ, người lao động chỉ cần tham gia bảo hiểm xã hội vừa đủ 6 tháng trước khi sinh thì sẽ được hưởng chế độ, trong khi thai kỳ của phụ nữ là 9 tháng.

Vì vậy nhiều nơi đã tận dụng đưa người nhà đang mang thai vào trong diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dù chỉ đóng bảo hiểm 32% mức lương nhưng hưởng chế độ thai sản là 100% của 6 tháng tiền lương trước sinh cộng thêm 2 tháng lương cơ sở hỗ trợ tã, sữa. Ngoài ra, trong 6 tháng nghỉ thai sản không đóng bảo hiểm xã hội vẫn được tính quá trình tham gia và cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí.

Với mức hưởng khá "hậu hĩnh" này thì đây chính là  "miếng mồi ngon" để nhiều người lợi dụng trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội. "Có nhiều trường hợp dù biết là đang lạm dụng Quỹ nhưng tất cả hồ sơ, giấy tờ đều hợp lệ nên chúng tôi vẫn buộc phải chi trả chế độ", ông Trần Dũng Hà chia sẻ.

Là địa phương đang quản lý trên 15.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội Quận 1 cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh hồ sơ hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội. Theo ông Phạm Việt Tiến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quận 1, chỉ khi nghi ngờ có dấu hiệu lạm dụng thì cán bộ bảo hiểm mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ để đối chiếu. Mỗi lần như thế, cả doanh nghiệp và người lao động lại có nhiều "chiêu" đối phó.

"Cái khó là khi xác minh các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội thì nhiều người lao động phản ứng gay gắt. Họ cho rằng lúc đóng thì dễ nhưng khi hưởng lại khó, than phiền nhân viên Bảo hiểm xã hội nhũng nhiễu, gây khó dễ trong việc giải quyết chế độ", ông Phạm Việt Tiến chia sẻ.

Nhằm hạn chế tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã từng chuyển hồ sơ có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Đơn cử như mới đây, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã chuyển hồ sơ đề nghị hưởng thai sản tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại - vật liệu xây dựng Hà Thịnh Phát (địa chỉ tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9) do nghi ngờ trục lợi Quỹ sang cơ quan công an và được Công an Quận 9 vào cuộc xem xét…

Hay như Công ty trách nhiệm hữu hạn Thép Sky Scorpion tự nguyện truy nộp 145 triệu đồng đã hưởng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội sau khi Cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Theo dự báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, số tiền chi các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lãnh đạo cơ quan này nhìn nhận, dù Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện đang kết dư, nhưng nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi thì nguy cơ mất cân đối Quỹ vẫn có thể xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục