BVH với cuộc đua thị phần bảo hiểm

09:59' - 22/10/2020
BNEWS BVH đang phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp cùng ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành bảo hiểm vẫn giữ được sự tích cực khi tăng trưởng hai chữ số. Dù vậy, nếu nhìn vào sự tăng trưởng của ngành trong vài năm trở lại đây có thể thấy đà tăng đang giảm dần theo các năm. Là doanh nghiệp đứng đầu thị trường về cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) cũng đang phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp cùng ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
*Cạnh tranh ngày càng lớn
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) trong 6 tháng năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm BVH đạt 17.966 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lãi ròng của doanh nghiệp chỉ đạt 660 tỷ đồng, giảm 1%.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, BVH tiếp tục giữ vị thế số 1 thị trường cả nhân thọ và phi nhân thọ với thị phần doanh thu phí lần lượt đạt 17,2% và 22,9% trong 6 tháng năm 2020.
Dù đang là doanh nghiệp đầu ngành nhưng hiện nay BVH đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đẩy mạnh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) để tăng doanh thu phí, trong khi đó, kênh phân phối chủ yếu của BVH thông qua đại lý bảo hiểm.
Tính đến hết năm 2019, thị trường bảo hiểm có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Bên cạnh đó, mặc dù vẫn có mức tăng trưởng mạnh, nhưng đà tăng của ngành bảo hiểm đang giảm dần qua các năm.
Theo Mirae Asset, mảng bảo hiểm tại Việt Nam vẫn tăng trưởng khi tổng doanh thu phí ước đạt 160.180 tỷ đồng trong năm 2019, đà tăng chung của ngành bảo hiểm đang có dấu hiệu chậm lại so với mức 24% của năm 2018. Tốc độ tăng của ngành trong nhiều năm liên tiếp đang có dấu hiệu giảm dần.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (riêng quý III/2020 tăng 12%); trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.
“Miếng bánh” thị phần bảo hiểm đang được san sẻ cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhận định về những thách thức của BVH, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, dù bảo hiểm nhân thọ là thị trường có tiềm năng rất lớn, nhưng rủi ro sẽ đến từ sức cạnh tranh ngày càng tăng do xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài mới nhảy vào thị trường. Có thể kể đến các đối thủ nước ngoài mạnh như Fubon life của Đài Loan (Trung Quốc), Korea Life của Hàn Quốc và Generali của Italy.
Bên cạnh đó, nguy cơ trục lợi bảo hiểm là rất lớn do chế tài xử phạt hành vi gian lận bảo hiểm hiện còn nhiều lỗ hổng. Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối phó với tình trạng trục lợi bảo hiểm gia tăng với thủ đoạn càng lúc càng tinh vi và phức tạp.
Ngoài ra, quy định khung cho việc định giá sản phẩm phi nhân thọ hiện nay còn lỏng lẻo, miếng bánh thị phần bảo hiểm phi nhân thọ đang bị tranh giành tương đối gay gắt.
Do đó theo SSI, dù đang dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nhưng rủi ro đối với Bảo Việt là sự cạnh tranh không lành mạng của các đổi thủ, cuộc chiến về giá đối với các sản phẩm phi nhân thọ.
Đối với cổ phiếu BVH, trong đợt đảo danh mục kỳ tháng 7/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã loại BVH ra khỏi rổ chỉ số VN30 (30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HSX có giá trị vốn hoá thị trường cũng như thanh khoản cao nhất, cụ thể là nhóm 30 cổ phiếu này chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường).
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục thông báo đưa cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng được soát xét của công ty có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
*Cơ hội nào cho BVH?
Nhận định về những thuận lợi của ngành bảo hiểm, giới phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bảo hiểm nổi lên là ngành có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu tốt nhất tại Việt Nam.
Trong khi hàng loạt ngân hàng, công ty bất động sản, các tập đoàn nhà nước lao dốc do nợ xấu, đầu tư ngoài ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm thường đầu tư vào các tài sản ít rủi ro và chú trọng phát triển nguồn nhân lực nhiều hơn nên có kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Trong dài hạn, với thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, người dân Việt Nam sẽ ngày càng làm quen và có nhu cầu hơn với các sản phẩm bảo hiểm thiết thực. Ngoài các sản phẩm mang tính chất bảo vệ lợi ích tài chính cho người mua đối với rủi ro về nhân thọ, sức khỏe, tài sản; các công ty bảo hiểm có xu hướng tung ra các sản phẩm mới như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm kết hợp đầu tư... nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

BVH cũng đang có những lợi thế kinh doanh so với các đối thủ. BVH sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với gần 200 chi nhánh và công ty thành viên tại 63 tỉnh thành, 600 phòng phục vụ khách hàng của bảo hiểm phi nhân thọ và 400 phòng phục vụ khách hàng của bảo hiểm nhân thọ.
BVH cung cấp cho khách hàng danh mục sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng với trên 80 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 55 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ.
SSI cho biết, sắp tới, Bảo Việt đang xem xét tìm đối tác mua lại mảng ngân hàng (Bao Viet bank), vốn là mảng kinh doanh còn non trẻ và chịu nhiều cạnh tranh gay gắt. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh chủ đạo, mang lại lợi nhuận cao cho tập đoàn trong tương lai.
Thực tế, việc Bảo Việt bắt tay với đối tác chiến lược nước ngoài Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) - một trong những doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất châu Á là tín hiệu cho thấy tập đoàn này đang có chiến lược tập trung hơn vào mảng kinh doanh bảo hiểm truyền thống vốn là thế mạnh của mình, nhằm củng cố vị trí dẫn đầu thị trường hơn là đầu tư dàn trải ngoài ngành như nhiều tập đoành kinh tế nhà nước khác. Hiện nay, Sumitomo Life đang nắm giữ hơn 22% cổ phần của BVH.
Dù có kết quả kinh doanh không tệ, nhưng cổ phiếu BVH lại có diễn biến không mấy tích cực khi giảm giá từ 69.000 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên giao dịch đầu năm ngày 2/1) xuống 52.000 đồng/cổ phiếu (phiên 21/10), tương ứng mức giảm hơn 24,6%. Vốn hóa thị trường của BVH đạt hơn 38.600 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục