Bộ Công an giải thích về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu

12:47' - 07/11/2017
BNEWS Bộ Công an sẽ tiến tới đề xuất quản lý cư trú bằng "sổ hộ khẩu điện tử" thay thế sổ giấy dùng hàng chục năm qua.

"Không bỏ sổ hộ khẩu, mà hiện đang có lộ trình thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang bằng hệ thống công nghệ thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư". Đây là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát trong họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7/11, tại Hà Nội, nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân.
Khi hoàn tất hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ tiến tới đề xuất quản lý cư trú bằng "sổ hộ khẩu điện tử" thay thế sổ giấy dùng hàng chục năm qua.
"Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng là quản lý sổ hổ khẩu bằng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho người dân" - Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết thêm tại họp báo.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, hiện nay, quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Tuy nhiên, công tác dân cư chủ yếu quản lý theo hình thức thủ công. Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện và đi vào hoạt động, người dân đến giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp mã số định danh, căn cước công dân thì cơ quan Nhà nước tra cứu là có đầy đủ thông tin.
Cơ sở dữ liệu dân cư tập hợp 15 thông tin cơ bản của mỗi con người, gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Theo Trung tướng Vệ, các quốc gia trên thế giới không nước nào bỏ việc quản lý dân cư cả. Sau này, mỗi công dân chỉ cần một thẻ căn cước công dân. Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung ướng Vệ cho biết thêm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai, xây dựng từ năm 2012. Giữa tháng 11 này, Bộ Công an sẽ triển khai hội nghị toàn quốc và tập huấn cho Công an cấp tỉnh, huyện, xã phường thị trấn và phát bảng kê để xuống từng hộ dân điền dữ liệu cá nhân. Công an phường, xã sẽ xác thực thông tin để nhập dữ liệu. Hệ thống dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ hoàn thành.
Hiện chưa bỏ chứng minh nhân dân
Trung tướng Vệ khẳng định, thông tin bỏ chứng minh nhân dân cũng không đúng, bởi theo luật, đây là giấy tờ bắt buộc của mỗi con người. Theo Trung tướng Vệ, chứng minh nhân dân có bất tiện là làm thủ công, lăn tay, đánh máy rất mất công và dễ bị làm giả. Chính vì thế năm 2013, Chính phủ xem xét cấp căn cước công dân bằng công nghệ hiện đại. Hiện đang thí điểm ở 16 tỉnh và thành phố.
Trung tướng Vệ giải thích thêm, mặc dù hiện nay, việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương nhưng từ ngày 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Lúc đó, những người dân đang dùng chứng minh nhân dân vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ căn cước công dân.
Theo Trung tướng Vệ, vừa rồi, việc cấp thẻ căn cước công dân ở một số địa phương có trục trặc vì công nghệ sản xuất thẻ căn cước rất hiện đại, gồm màng nhựa 15 lớp, phôi bảo an chống làm giả. Tuy nhiên, do mỗi năm phải mất cả trăm tỷ đồng để nhập nhựa, nhập phôi làm thẻ căn cước, nhưng quy định lại yêu cầu 1 tỷ đồng trở lên cũng phải đấu thầu, mời thầu nên rất mất thời gian.

"Bên cạnh đó, vừa qua, việc nhập phôi nhựa gặp trục trặc nên bị trậm trễ mất nửa tháng. Hiện lực lượng đã rà soát, tính toán lại nên có thể khẳng định từ nay trở đi không có chuyện bị lỡ, bị chậm cấp căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân nữa" - Trung tướng Vệ khẳng định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Chính phủ thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; đồng thời giao Bộ Công an trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục