Bộ Công Thương lấy ý kiến 2 dự thảo Nghị định về điện

11:47' - 16/04/2024
BNEWS 2 Dự thảo gồm Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Bộ Công Thương cho biết đang lấy ý kiến về 2 Dự thảo Nghị định về lĩnh vực điện, bao gồm Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu .

 
Theo đó, với Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn, đối tượng áp dụng gồm: đơn vị phát điện, khách hàng sử dụng điện lớn, chủ đầu tư khu công nghiệp, các đơn vị điện lực như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện; đơn vị truyền tải điện; Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị bán lẻ trong khu công nghiệp.

Các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp bao gồm: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện quốc gia) hoặc qua lưới điện quốc gia.

Nếu mua bán điện qua lưới điện quốc gia thì đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) và bán toàn bộ điện năng sản xuất lên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này; Đơn vị phát điện ký Hợp đồng kỳ hạn với khách hàng sử dụng điện lớn để quản lý rủi ro theo quy định tại Mục 3 Chương III Nghị định này.

Nghị định cũng quy định chi tiết về 3 trường hợp gồm: Mua bán điện và thanh toán giữa các đơn vị phát điện và EVN thông qua thị trường giao ngay; mua bán điện giữa các khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty điện lực; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Đối với từng trường hợp như mua bán điện trực tiếp hay qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia sẽ phải tuân thủ nguyên tắc cụ thể, trách nhiệm của bên phát điện, yêu cầu đối với khách hàng sử dụng điện lớn; các quy định về hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn cùng với đó là giá mua bán và thanh toán trên thị giao ngay (công suất và điện năng) của đơn vị phát điện; trình tự thủ tục thanh toán...

Bên cạnh đó là quy định về trình tự tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp; quy định về kiểm tra, giám sát và tổ chức hoạt động; trách nhiệm của từng bộ và các đơn vị liên quan.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến công khai, tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ trước 30/4/2024.

Với dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Theo đó,  việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định; được miễn giấy phép hoạt động điện lực.

Trong dự thảo, điện mặt trời mái nhà được định nghĩa là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện.

Mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tự sử dụng) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo dự thảo, để khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, loại hình năng lượng này được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này; khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.

Đơn vị lắp đặt sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục