Bộ Công Thương sẽ tổ chức kết nối doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với Trung Quốc

17:00' - 06/05/2019
BNEWS Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới.
Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc (Khu công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN 

Mặc dù có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018. 

Bên cạnh những tác động khách quan làm ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng với chính sách mở cửa thị trường, triển vọng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực/đang đàm phán sẽ là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong tháng 4 kim ngạch xuất khẩu đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3/2019.

Lý giải nguyên nhân này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, sở dĩ kim ngạch tháng 4 sụt giảm do số ngày làm việc ít hơn (nghỉ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5) và sản phẩm Galaxy S10 của Samsung đã xuất khẩu trong tháng 3.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng cái (Quảng Ninh). Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Cũng theo Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%.

Phân tích từ các chuyên gia thương mại, trong 4 tháng qua có tới 5/7 mặt hàng nông sản có giá sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số này, giá xuất khẩu bình quân hạt điều giảm mạnh 20,8%, cà phê giảm 10,4%, hạt tiêu giảm 25,9%, gạo giảm 14,9%, cao su giảm 8,7%.

Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp chế biến lại tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ tăng...

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất lại có sự chững lại khi giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,03 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Cục Xuất Nhập khẩu cũng cho biết, trong 4 tháng qua Hoa Kỳ vẫn liên tục giữ ngôi vị quán quân về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%; Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%; thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,3%; Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3% và Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%.

Nhận định từ giới chuyên gia, Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và sụt giảm.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước nhưng lại tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Vì vậy, tính chung 4 tháng kim ngạch nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng chính tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2018 như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, vải các loại, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm từ sắt thép...

Chính vì vậy, trong tháng 4 Việt Nam đã nhập siêu 700 triệu USD và tính chung 4 tháng cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD); trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 4 tháng qua của Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn.

Theo ông Dương Duy Hưng, với kim ngạch đạt 78,76 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành gần 30% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng còn lại của năm 2019 phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Dương Duy Hưng phân tích rõ thêm, xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.

Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ở mức thấp hơn so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 10,5%, cao hơn gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (tăng 5,8%) cũng như mức tăng trưởng 4% của khối doanh nghiệp FDI.

Do đó, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên mức 29,6% trong 4 tháng từ mức 28,4% của cùng kỳ năm 2018.

Có thể thấy, khối doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuyển mình tích cực và giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.

Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và các chính sách thúc đẩy kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân của nhà nước đã phát huy hiệu quả.

Nhằm kịp thời có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, bên cạnh việc theo sát biến động của tình hình thế giới để tận dụng cơ hội xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới.

Mặt khác, Bộ triển khai Chương trình hành động thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, chuẩn bị thủ tục, nguồn hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường các nước CPTPP.

Đặc biệt, Bộ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Bộ cũng sẽ hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin cảnh báo và cách ứng phó với các vụ việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục