Bộ Công Thương và VCCI cùng hợp tác kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

12:10' - 07/05/2020
BNEWS Bộ Công Thương phối hợp với VCCI nghiên cứu xây dựng một số đề án mang tính cấp bách, có thể triển khai ngay và có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Sáng 7/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức được ký kết.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, VCCI cũng tập hợp cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sự phối hợp của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp các Bộ, ngành; trong đó, có Bộ Công Thương thêm cơ hội trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào “trạng thái bình thường mới” với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng, chương trình phối hợp được ký kết này sẽ là tiền đề quan trọng cho những hoạt động thiết thực, hiệu quả phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, Bộ Công Thương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và tiên phong trong hội nhập bởi cách điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ trong tâm của cải cách thể chế trong điều kiện hiện nay.
Quan trọng hơn, sau khi thực hiện nhiệm vụ cắt giảm theo điều kiện của Chính phủ là 50%, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh mặc dù mức độ đã đạt mức cao nhất. Đây là quá trình cải cách có bài bản, chủ động và trách nhiệm với sự phát triển của cộng đồng kinh tế.
Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng đề xuất với Chính phủ trong việc ban hành quy định tất cả vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính vì vậy, trong suốt quá trình đàm phán và hội nhập Bộ Công Thương và VCCI đã luôn phối hợp cũng bàn thảo đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất.

Chương trình phối hợp toàn diện giữa Bộ Công Thương và VCCI bao trùm 3 trụ cột hành động chính gồm: hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để cụ thể hóa các trụ cột này, chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành công thương như: công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ việc cụ thể hóa hơn nữa các hoạt động theo chương trình từng năm.
Trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành…
Bộ Công Thương thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hàng năm, Bộ Công Thương luôn thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các thủ tục hành chính để xây dựng, ban hành phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và đảm bảo khả năng thực thi của các thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa.
Bộ Công Thương luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng cải cách hành chính song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ thường xuyên duy trì tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hàh chính nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Dưới tác động của dịch COVID-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp với VCCI hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp áp dụng các hình thức mới, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet... Cụ thể là, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Để tiếp tục triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo trực tuyến theo hướng đa dạng thị trường, ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao hơn nữa, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch phối hợp với VCCI và các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID- 19 gây ra.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI thực hiện đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội thảo, đào tạo, phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm để giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành viên của VCCI nói riêng tăng thêm cơ hội kết nối hiệu quả với thị trường xuất khẩu…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI và các hiệp hội ngành hàng, địa phương nghiên cứu xây dựng một số đề án mang tính cấp bách, có thể triển khai ngay và có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ để bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục