Bộ Giao thông Vận tải nói gì về không giao nguồn vốn bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam?

15:40' - 16/04/2021
BNEWS Bộ GTVT khẳng định việc giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đang thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020.
Liên quan đến văn bản số 803/BC-ĐS của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; trong đó, VNR nhấn mạnh việc vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến ngành đường sắt khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021, trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 16/4, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẳng định, việc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đang thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020 hiện hành.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Minh cho hay, Bộ Giao thông Vận tải không thể tự ý làm bất cứ vấn đề gì nếu không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Bộ Giao thông Vận tải không phải tự ý giao cho Cục Đường sắt Việt Nam bởi trước đây (trước năm 2018) khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì Bộ Giao thông Vận tải giao vốn bảo trì của VNR là điều bình thường.
“Tuy nhiên, khi Luật Ngân sách nhà nước 2020 ra đời thay thế Luật Ngân sách nhà nước cũ, đồng thời VNR chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Bộ Giao thông Vận tải chỉ được giao vốn cho đơn vị trực thuộc. Mặt khác, vốn ngân sách nhà nước cũng chỉ được giao cho đơn vị quản lý chuyên ngành mà lĩnh vực đường sắt là giao cho Cục Đường sắt Việt Nam”, ông Lê Hoàng Minh cho biết.
Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện căn cứ khoản 5, Điều 9; khoản 8 Điều 44 và khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước 2020 để thực hiện giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam. Sau đó Cục Đường sắt Việt Nam sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với các đơn vị bảo trì của VNR.
Ông Lê Hoàng Minh chia sẻ thêm, năm 2020 vấn đề trên cũng đã gặp phải khi Bộ Giao thông Vận tải không giao được vốn bảo trì cho VNR, do đó Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải có văn bản báo cáo lên Chính phủ, sau đó Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này; trong đó có nội dung là Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách cho VNR như 2019 trở về trước. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020; trong đó có nội dung thi hành Nghị quyết của Quốc hội. Sau nghị quyết này, Bộ Giao thông Vận tải mới giao được dự toán ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR.
“Như vậy, mấu chốt là nếu muốn giao dự toán ngân sách khác với quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành thì cơ quan ban hành luật phải ra một nghị quyết về vấn đề đó và Chính phủ cũng phải ban hành một nghị quyết hướng dẫn thi hành các nội dung của nghị quyết Quốc hội”, ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh.
Về nội dung các công ty bảo trì đang gặp khó khăn vì không có kinh phí bảo trì, phải đi vay vốn ngân hàng để trả lương cho công nhân, ông Lê Hoàng Minh một lần nữa khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống kế cấu đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đúng theo Luật Ngân sách nhà nước và nếu giao dự toán ngân sách này cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trở lại câu chuyện những khó khăn mà 20 đơn vị bảo trì thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang gặp phải, ông Lê Hoàng Minh cho biết, trước ngày 31/12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch bảo trì chung cho toàn ngành; trong đó có ngành đường sắt. Đồng thời, tại thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giao dự toán ngân sách cho Cục Đường sắt Việt Nam.
Để triển khai dự toán này, Cục Đường sắt Việt Nam đã mời 20 đơn vị bảo trì đường sắt để đàm phán và ký hợp đồng đặt hàng nhưng đến thời điểm này các đơn vị này không tiến hành ký hợp đồng với Cục Đường sắt Việt Nam. Lý do quan trọng  20 đơn vị này không ký được hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam là vì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đang chiếm hơn 50% vốn chủ sở hữu tại các công ty này không đồng ý cho các đơn vị thành viên ký kết hợp đồng với Cục Đường sắt Việt Nam. Đây chính là lý do việc đàm phán ký kết hợp đồng bị đình trệ đến thời điểm này.
“Như vậy thông tin Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam không giao dự toán ngân sách cho VNR và các đơn vị thành viên là không đúng bản chất vấn đề. Hiện dự toán ngân sách và kế hoạch bảo trì đã xây dựng, nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tức là đã có nguồn tiền sẵn sàng chuyển bất cứ lúc nào”, ông Lê Hoàng Minh thông tin.
Chia sẻ thêm, ông Lê Hoàng Minh cho biết, việc VNR đưa ra lý do Luật Đường sắt năm 2017 quy định một số quyền hạn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; trong đó có thẩm quyền quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tuy nhiên cũng phải khẳng định thời điểm trước tháng 11/2018 khi đó VNR vẫn còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Tuy vậy, khi VNR không còn trực thuộc Bộ mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời Luật Ngân sách nhà nước năm 2020 ra đời thì lúc này phải tuân thủ luật mới. Mặc dù Luật Đường sắt 2017 vẫn đang có hiệu lực nhưng các vấn đề về ngân sách, tài chính thì phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước (luật chung) còn Luật đường sắt 2017 là luật chuyên ngành.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản số 803/BC-ĐS ngày 12/4/2021 kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những vướng mắc trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Theo văn bản trên, VNR cho biết, hiện 3.143 km đường sắt cả nước được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp tổ chức khai thác, nguồn kinh phí thu được được trích nộp vào ngân sách nhà nước 20%, 80% còn lại là doanh thu của Tổng công ty được dùng để chi cho các hoạt động phục vụ tổ chức khai thác (chi phí nhân công, chi phí duy tu, bảo trì tài sản...). Việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải luôn gắn liền với việc điều hành chạy tàu vì kế hoạch duy tu, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phụ thuộc vào biểu đồ chạy tàu (vừa chạy tàu vừa thi công bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt).
Văn bản số 803/BC-ĐS của VNR cũng cho hay, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản. Đặc biệt là gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con (giấy phép con) khi đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam. Bởi VNR cho rằng, Cục Đường sắt Việt Nam hiện chỉ thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải, không quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, nếu giao vốn đơn vị này rồi mới phân bổ về VNR sẽ làm chậm trễ, ách tắc công tác bảo trì.
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo dự toán hàng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao. Hiện 20 công ty bảo trì đường sắt trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì...
Đây không phải lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì. Trước đó vào đầu năm 2020, ngành đường sắt cũng phải gặp hoàn cảnh tương tự khi đến hết tháng 2/2020 vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải giao kinh phí bảo trì đường sắt. Sau đó, để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã phải tạm giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ để thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc VNR nhằm kịp thời đảm bảo an toàn chạy tàu như duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn, hệ thống thông tin tín hiệu… Tuy nhiên, đến năm 2021, phương án giao vốn cho đơn vị nào vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện ngành có 11.315 lao động. Trong đó, có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm; 915 lao động gián tiếp thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình…;  6.278 lao động bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì; 2.881 lao động làm nhiệm vụ gác chắn đường ngang để đảm bảo an toàn chạy tàu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục