Ngành đường sắt đứng trước nhiều thách thức trong phát triển

16:11' - 25/03/2021
BNEWS Theo các chuyên gia giao thông, so với đường bộ, hàng không, ngành đường sắt chậm phát triển bởi tư duy, nhận thức chưa có sự thay đổi và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương.
Tại buổi tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 25/3, tại Hà Nội, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đường sắt nước ta được xây dựng 140 năm, hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, lại không được cải cải tạo, nâng cấp nhiều mà chỉ duy tu trong khi nguồn vốn cho công tác này cũng khá hạn hẹp.

Hiện, dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam có hàng nghìn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế hạ tầng cũ chứ không tạo dòng sản phẩm mới nên khó tạo động lực phát triển.

Thêm vào đó, công nghệ các nước phát triển đã dùng điện khí hóa, đệm từ thậm chí là đường ống trong khi đường sắt nước ta vẫn chạy đường đơn với nền tảng công nghệ diesel dẫn đến khả năng luân chuyển hàng hóa thấp, năng lực tàu thông qua chỉ được 21 đôi tàu/ngày đêm nên không đáp ứng được sự phát triển của kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa và hành khách.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, với các phương thức khác, áp lực của phương tiện sẽ tạo động lực phát triển để cải thiện hạ tầng, còn đường sắt không có chủ thể nào gây áp lực nên sẽ khó cải thiện hạ tầng và phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước trong một thời gian dài. Đường sắt ít tạo ra giá trị thặng dư cho địa phương nên chưa được quan tâm đầu tư. Vì thế, cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội và tư duy.

Đánh giá về hiện trạng ngành đường sắt, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, so với đường bộ, hàng không, ngành đường sắt chậm phát triển bởi tư duy, nhận thức chưa có sự thay đổi và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương.

“Chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm Nhà nước và doanh nghiệp, Nhà nước giao đường sắt khai thác, quản lý hạ tầng phải đảm bảo an toàn, ngành đường sắt khai thác sử dụng hàng hóa và vận tải. Vấn đề này hiện chưa rõ nên ngành này hiện nay gánh toàn bộ, trong khi nguồn lực đầu tư không cao. Do đó, phải phân định rõ từng lĩnh vực, vị trí vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng chứ không chỉ cải tạo, duy tu như hiện nay,” ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

Chuyên viên về kỹ thuật hạ tầng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Phan Lê Bình nhìn nhận, kể từ khi đất nước đổi mới, trong 30-40 năm qua, quan tâm đầu tư của đất nước với đường sắt chưa tạo sự thay đổi cách mạng nên trong quan hệ so sánh với các phương thức khác thì ngành này tụt hậu xa, khó thu hút người dân sử dụng.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hồng, chuyên viên cao cấp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Luật Đường sắt sửa đổi thông qua năm 2017 đã ưu tiên chính sách đầu tư phát triển đường sắt, trong đó phân bổ nguồn vốn trung hạn hàng năm theo quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng dẫn chứng, giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn đầu tư 5 lĩnh vực giao thông thì đường sắt chỉ được 4% để thấy rằng Chính phủ chưa quyết liệt đầu tư cho đường sắt dù hàng năm vẫn báo cáo Quốc hội chính sách thực hiện pháp luật đường sắt và đầu tư cho ngành này. Những năm vừa qua, đầu tư cho ngành này ít và vừa qua mới có gói 7.000 tỷ đồng cho dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Tp. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai thi công.

Vì vậy, ông Lê Hồng kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt hơn, vấn đề nào vướng mắc cần giải quyết dứt điểm từ vận tải đường bộ hay hàng không chuyển hướng sang đường sắt để khối lượng vận tải ngành này sẽ nâng lên. Mặt khác, muốn tạo cú hích để doanh nghiệp quan tâm đầu tư đường sắt cần cụ thể hóa các ưu đãi về đầu tư.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia cũng góp ý để phát triển ngành đường sắt cần phải gấp rút xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đồng thời cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu nâng cao năng lực thông qua.

Hiệu quả khai thác hạ tầng phải có sự kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, kết nối đường bộ, đường sắt đô thị và giá trị thương mại từ các nhà ga để đồng loạt nâng chất lượng hạ tầng, chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục