"Bộ lọc" mới lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Với các nước đang phát triển, đầu tư nước ngoài đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế vì đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế và nhiều hệ lụy về xã hội, chính trị; đồng thời làm cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt.
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng và lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chuyên gia kinh tế xung quanh nội dung này.BNEWS: Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh thế giới về đầu tư nước ngoài. Ông có thể cho biết, dòng vốn này đã thay đổi như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Theo báo cáo đầu tư năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dịch COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh đầu tư nước ngoài của thế giới.Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD; trong đó FDI vào các nền kinh tế phát triển giảm 58% do các nước này đang tái cơ cấu doanh nghiệp và có nguồn tài chính ổn định.
FDI vào các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu do chu chuyển vốn linh hoạt ở châu Á. Riêng năm 2020 các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019. Theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á.
Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, cụ thể khu vực Mỹ Latinh và Caribê giảm tới 45%, khu vực châu Phi giảm 16%, tuy nhiên dòng FDI chảy sang châu Á lại tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020. Dự kiến dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng từ 10-15%. Do dịch COVID-19, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có, bên cạnh đó do suy thoái kinh tế toàn cầu nên các doanh nghiệp đa quốc gia đã đánh giá lại các dự án mới.Sự thu hẹp tổng thể trong xúc tiến dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50% là các nguyên nhân làm suy giảm đầu tư nước ngoài trong năm 2020.
Nếu FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề và nghiêm trọng bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn.Dòng vốn FDI không chỉ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ở các nước đang phát triển mà còn tạo ra nhiều việc làm, tác động tích cực hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2021 FDI toàn cầu phục hồi tương đối khiêm tốn do khả năng tiếp cận vaccine thấp, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và các nền kinh tế chậm mở cửa trở lại. Tuy vậy FDI của năm 2022 được dự báo tăng cao hơn và có thể trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ USD do các quốc gia sẽ ưu tiên chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện. Đặc biệt thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng; đồng thời, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế và chăm sóc sức khoẻ người dân. BNEWS: Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam vẫn lạc quan trước những triển vọng trong thu hút FDI. Ông nhận định thế nào về vấn đề này? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2020 với tổng số vốn 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và lần đầu tiên lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI với các đối thủ tiềm năng như: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mexico.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng.Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc.
Mặc dù, đang trong “vòng xoáy” của dịch COVID-19, trong 10 tháng năm 2021, vẫn có 23,74 tỷ USD vốn FDI đổ vào 18 lĩnh vực tại Việt Nam. Công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư lên đến 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đăng ký.Bức tranh kinh tế 10 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính, đây cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt vốn đăng ký tăng thêm của các dự án FDI hiện đang hoạt động tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; Góp vốn, mua cổ phần đạt 3,63 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 267,93 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực FDI đạt trên 196,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ và chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đạt gần 176,9 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ và chiếm 65,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Với những thông tin này cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến trong thu hút FDI, cùng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ và khả năng chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin đối với giới đầu tư nước ngoài khi quyết định tham gia và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh đầu tư nước ngoài của toàn cầu vẫn suy giảm. BNEWS: Với tầm quan trọng và cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia để giành được dòng vốn FDI, xin ông cho biết đâu là những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có những lợi thế trong thu hút FDI, bao gồm: môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.Bên cạnh đó môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư-điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Cùng đó là chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư. Mặt khác, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện. Nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh. Cùng với đó, Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 23,6%. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường lao động trong khu vực. Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu, là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Cùng với các lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chi phí lao động ngày càng cao ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi quyết định đầu tư vào quốc gia này, càng làm tăng sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư tiềm năng. Ước tính chi phí lao động sản xuất ở Trung Quốc là 5,51 USD/giờ vào năm 2018, trong khi con số này ở Việt Nam là 2,73 USD/giờ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Trung Quốc xuất phát từ cuộc chiến thương mại này.BNEWS: Xin ông cho biết những giải pháp cần đặt ra để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI hiệu quả trong thời gian tới? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Nhìn nhận hậu quả do đại dịch gây ra là cơ hội để Chính phủ đánh giá sức chống chịu, các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế và phương thức ứng phó với những bất trắc, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm thu hút và duy trì hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá đất nước. Cụ thể Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan cần thực hiện một số giải pháp nhằm “giữ chân” và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật. Chính phủ cũng cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước. Mua bán và sáp nhập (M&A) đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong mấy năm qua để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch COVID- 19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, xoá bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, lao động tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan đánh giá các mặt được, những điểm còn tồn tại của 8 nhóm lợi thế thu hút FDI của Việt Nam, từ đó phát huy những điểm mạnh, khắc phục các tồn tại để 8 nhóm lợi thế này mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI trong thời gian tới. Để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ mạng lưới đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các cú sốc về lao động./. BNEWS: Xin cám ơn ông!- Từ khóa :
- đầu tư nước ngoài
- fdi
- Nguyễn Bích Lâm
- vốn fdi
Tin liên quan
-
Giá vàng
Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI
16:14' - 01/11/2021
Thông tư 15/2021/TT-NHNN có bổ sung về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
-
Kinh tế Việt Nam
Bình Dương thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI
18:34' - 28/10/2021
Từ đầu năm đến nay mặc dù chịu tác động lớn cho dịch COVID-19, tỉnh Bình Dương vẫn thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
-
Kinh tế Việt Nam
Vốn đăng ký thêm của các dự án FDI trong 10 tháng tăng hơn 24%
16:03' - 28/10/2021
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tin cùng chuyên mục
-
Ý kiến và Bình luận
Loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu xây dựng
19:12'
Thông tư 10 đã đưa ra những giải pháp để phân loại, phân nhóm chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, đảm bảo công trình và cuộc sống người dân sử dụng vật liệu an toàn và chất lượng.
-
Ý kiến và Bình luận
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt mức cao kỷ lục
09:48'
Trong vài tháng tới, xuất khẩu của Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ việc các công ty nước ngoài tích trữ hàng hóa do tâm lý lo ngại.
-
Ý kiến và Bình luận
Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp
18:29' - 23/11/2024
Ngày 23/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
-
Ý kiến và Bình luận
Truyền thông Mỹ nhận định Việt Nam có cơ hội kinh doanh lớn trong thời gian tới
18:37' - 21/11/2024
Theo trang forbes.com (Mỹ), nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn lớn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội kinh doanh lớn hơn nữa dưới thời chính quyền Trump 2.0.
-
Ý kiến và Bình luận
Morgan Stanley: Chính sách thuế của Donald Trump sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ
06:00' - 21/11/2024
Ông Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào năm 2026.
-
Ý kiến và Bình luận
Công nghệ AI dự báo sẽ tạo ra 680 tỷ USD cho ngành viễn thông
18:18' - 20/11/2024
Trong 15-20 năm tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ước tính sẽ mang lại tới 680 tỷ USD cho ngành viễn thông.
-
Ý kiến và Bình luận
UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa sức khỏe trẻ em
08:23' - 20/11/2024
Sự biến động về nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến tương lai ảm đạm cho thanh thiếu niên vào giữa thế kỷ 21.
-
Ý kiến và Bình luận
Ukraine thông qua ngân sách 2025 với khoản chi kỷ lục cho quốc phòng
08:14' - 20/11/2024
Quốc hội Ukraine đã thông qua toàn bộ luật về ngân sách quốc gia năm 2025, trong đó chi ngân sách năm tới được quy định ở mức kỷ lục 3.940 tỷ hryvnia (hơn 95 tỷ USD).
-
Ý kiến và Bình luận
Australia: Dự luật giới hạn số lượng sinh viên quốc tế có nguy cơ thất bại
08:41' - 19/11/2024
Liên minh hai đảng Tự do và Quốc gia (Liên đảng) cùng đảng Xanh của Australia ngày 18/11 đã lên tiếng phản đối dự luật giới hạn số lượng sinh viên quốc tế.