Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với máy phát điện dự trữ quốc gia

18:04' - 01/10/2017
BNEWS Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 94/2017/TT-BTC về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện dự trữ quốc gia.

Theo đó, Quy chuẩn này áp dụng đối với các đơn vị dự trữ quốc gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và quản lý máy phát điện dự trữ quốc gia.

Máy phát điện phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của bộ quản lý chuyên ngành như động cơ phải là động cơ đốt trong; công suất danh định không nhỏ hơn 1,1 lần công suất đầu phát; có chế độ làm việc liên tục.

Về đầu phát, công suất danh định (công suất liên tục) không nhỏ hơn 30 kVA; điện áp V: 220/380; tần số Hz: 50; hệ số công suất không nhỏ hơn 0,8, tổng độ biến dạng sóng hài điện áp không lớn hơn 5%…

Bộ điều khiển máy phát phải hiển thị bằng màn hình các thông số về điện áp dây; dòng điện; tần số; áp lực dầu bôi trơn; tốc độ vòng quay; nhiệt độ nước làm mát... Giới hạn mức công suất âm thanh không lớn hơn 115 dB theo quy định tại TCVN 6627-9: 2011 (IEC 60034-9: 2007).

Căn cứ quy định yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn này và tình hình điều kiện cụ thể, đơn vị dự trữ quốc gia quy định tiêu chuẩn kỹ thuật máy phát điện đưa vào dự trữ quốc gia.

Về phương pháp thử, máy phát điện trước khi nhập kho (đưa vào) dự trữ quốc gia phải được kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị dự trữ quốc gia lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước khi nhập kho phải kiểm tra ngoại quan, lấy ngẫu nhiên một số máy phát điện trong các máy phát điện nhập kho để kiểm tra ngoại quan.

Số máy phát điện được kiểm tra tối thiểu là 2% số lượng máy phát điện của lô nhưng không ít hơn 2 chiếc.

Đối với lô máy phát điện của mỗi nhà sản xuất có số lượng không lớn hơn 50 chiếc thì khi giao nhận lấy ngẫu nhiên tối thiểu 1 chiếc máy phát điện để kiểm tra.

Nếu mẫu lấy đi kiểm tra có một chỉ tiêu không đảm bảo chất lượng thì tiến hành kiểm tra lại với số lượng mẫu gấp đôi.

Nếu các mẫu kiểm tra lại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời mẫu kiểm tra lần đầu được khắc phục hoặc thay thế đảm bảo chất lượng thì lô máy phát điện được chấp nhận nhập kho dự trữ quốc gia.

Nếu kiểm tra lần hai mà có mẫu không đạt (chỉ cần một chỉ tiêu kỹ thuật không đạt) thì đơn vị nhập hàng lập biên bản không chấp nhận lô máy phát điện và yêu cầu nhà cung cấp thay thế lô máy phát điện khác và kiểm tra lại theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2017 và thay thế Quyết định số 66/2008/QĐ-BTC ngày 4/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ quốc gia đối với máy phát điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục