Bộ Tài chính: Công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng

16:41' - 29/04/2022
BNEWS Theo thông lệ quốc tế, công ty chứng khoán được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Ngày 29/4, liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh về hiện tượng công ty chứng khoán quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa đầu tư chứng khoán, “vừa đá bóng vừa thổi còi” khiến cho nhà đầu tư bức xúc, Bộ Tài chính cho biết điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật, tuy nhiên trong quá trình hoạt động có thể có xung đột lợi ích và các công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng.

Theo thông lệ quốc tế, công ty chứng khoán được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán đã quy định, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán.

Bộ Tài chính cho biết, công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty chứng khoán theo đó, công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động nhất định bởi diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như sự gia tăng lãi suất tại Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia, tình hình địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế. 

Bên cạnh mặt tích cực của thị trường chứng khoán, trên cơ sở giám sát, Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận thấy có những mã cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có biến động mạnh về khối lượng giao dịch, về giá, trong đó có một số biến động có dấu hiệu bất thường. 

Bộ Tài chính cho biết, quy định pháp luật về giám sát giao dịch bất thường, xử lý các giao dịch thao túng đã được ban hành đầy đủ, việc giám sát trên thị trường chứng khoán trước đây được chia thành 2 cấp trong đó Sở giao dịch chứng khoán là giám sát tuyến 1 có trách nhiệm giám sát dấu hiệu giao dịch bất thường, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là giám sát tuyến 2. Từ Luật Chứng khoán 2019, việc giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán được nâng lên thành giám sát 03 cấp, theo đó bổ sung tuyến giám sát của công ty chứng khoán bên cạnh giám sát của Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có khuyến nghị và cảnh báo nhà đầu tư khi tham gia các hội nhóm chứng khoán, đang tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý thông tin trên không gian mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Chứng khoán.

Đồng thời, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định giao dịch, công bố thông tin, đặc biệt là hoạt động giao dịch, của các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngoài ra, kiểm soát hoạt động của công ty chứng khoán, nhất là hoạt động cho vay sử dụng đòn bẩy tài chính; xử lý nghiêm công ty chứng khoán tham gia thực hiện thao túng thị trường chứng khoán./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục