Bộ Tài chính: Nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là phù hợp

19:13' - 10/04/2017
BNEWS Chiều 10/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo đánh giá tình hình thực hiện quý I/2017.
Bộ Tài Chính điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Một trong những thông tin được báo giới quan tâm đặt câu hỏi tại buổi họp báo là tại sao phải điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức từ 3.000 - 8.000 đồng/lít thay vì mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay và cơ sở nào để điều chỉnh khung thuế như Bộ Tài chính đã đề xuất ?

Theo lý giải của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Nhiều nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện...

Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành từ 1.000 - 4.000 đồng/lít đối với xăng dầu đã bằng hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Tuy nhiên, tùy trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu như đã cam kết qua các hiệp định thương mại quốc tế.

Trên thực tế, mức giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.... chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất việc điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường.

Cũng theo lý giải của ông Thi, sở dĩ Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới và để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu; đồng thời, giúp đảm bảo tính ổn định của luật pháp, tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Ngoài ra, góp phần n âng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, cũng như đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường.

Ông Thi cũng nêu dẫn chứng cụ thể, theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp, đứng thứ 44 trong số 180 quốc gia đang kinh doanh mặt hàng này. Điều đó có nghĩa là có 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam; trong đó, có Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97.

Để xây dựng khung thuế bảo vệ môi trường, có thể thấy trong mức giá cơ sở thì cùng các loại thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng thì thuế bảo vệ môi trường chỉ chiếm tỷ lệ thấp.

Cụ thể, 37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa và 18,4% đối với mazút. Đồng thời thấp hơn nhiều so với các nước như Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40% và Lào khoảng 56%.

"Trên cơ sở tính toán những yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít là phù hợp", ông Thi khẳng định.

Cũng tại buổi họp báo, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh văn phòng, Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, bội chi ngân sách Nhà nước ước đạt 4,05 nghìn tỷ đồng, bằng 2,27% dự toán năm.

Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trong 3 tháng ước đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước trong 3 tháng ước đạt hơn 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục