Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa là không hợp lý

14:45' - 04/04/2025
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật của từng lĩnh vực, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp với các hiệp hội/hội ngành hàng về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cuộc họp nhằm làm rõ những kiến nghị của các hiệp hội/hội gửi đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đại diện các hiệp hội/hội cho biết, bất cập chính của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là ở cách thức tiếp cận về phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa vẫn thiên về tiền kiểm, đưa ra quá nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Các quy định chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và các hiệp hội ngành hàng với pháp luật và người tiêu dùng về chất lượng và an toàn sản phẩm của họ làm ra; chưa phù hợp với trình độ của khoa học công nghệ và thông lệ quốc tế hiện nay, là quản lý theo hệ thống, kiểm soát rủi ro, phân tích mối nguy và thừa nhận lẫn nhau… 

Trong số đó, đặc biệt là việc quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa, đang là căn nguyên gây áp lực, phiền hà rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong nước.

“Đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm vì phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng chi phí thông quan với sản phẩm nhập khẩu và sẽ làm tăng giá sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng. Trên thế giới, không có nước nào quy định về công bố hợp quy”, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng bày tỏ quan điểm hiện Việt Nam quy định mặt hàng nhóm 2 với khái niệm rất rộng nên có tới hàng nghìn loại sản phẩm hàng hóa được liệt vào nhóm 2. Ví dụ, hiện nay 100% các loại vật tư nông nghiệp của Việt Nam đều là mặt hàng nhóm 2, phải quản lý chặt bằng các quy chuẩn kỹ thuật gây nhiều khó khăn, chi phí cho người sản xuất. 

 

Sau khi nghe ý kiến của các hiệp hội, đơn vị trong bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thống nhất quan điểm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là các bộ luật gốc để điều chỉnh các quy định nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, các luật chuyên ngành cũng có quy định về chất lượng hàng hóa. Dù được điều chỉnh bởi các luật khác nhau nhưng đều chung đối tượng quản lý là hàng hóa và cùng mục tiêu là đảm bảo chất lượng và an toàn. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chính vì vậy, việc thiết kế các luật gốc và luật liên quan theo hướng bảo đảm các bước trong quy trình, nội dung, chủ thể quản lý để đạt được mục tiêu không trùng chéo, không trùng lắp, không bỏ sót quy trình để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là chất lượng và an toàn.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, cần phân loại hàng hóa để quản lý theo 3 nhóm: rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Hàng hóa nhóm 2 chỉ nên là nhóm sản phẩm hàng hóa rủi ro cao. Chỉ nên chứng nhận hợp quy với hàng hóa rủi ro cao. Để phân biệt nhóm hàng hóa thì luật chỉ quy định chung, còn tiêu chí phân loại nên để Chính phủ quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tế triển khai.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng: Quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa hiện nay là không hợp lý.  Do đó cần điều chỉnh bổ sung quy định này và chỉ công bố hợp quy với sản phẩm có rủi ro cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập với thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản top đầu thế giới nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa là chưa đáp ứng được hội nhập. Khi xuất khẩu không theo kịp thế giới thì vô tình tạo ra rào cản cho sản phẩm của chính mình và sản phẩm các nước vào Việt Nam. Khi theo sân chơi thế giới thì cần theo chuẩn mực thế giới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế- kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn; trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 1.882 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 200 quy chuẩn Việt Nam (QCVN); trong đó: lĩnh vực nông nghiệp có 1.452 TCVN và 106 QCVN; tài nguyên môi trường có 430 TCVN và 94 QCVN. 

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có như: huỷ bỏ quy chuẩn không phù hợp (bảo vệ thực vật 18 QCVN, thú y 8 QCVN, nông sản thực phẩm 27 QCVN, môi trường 7 QCVN). Đồng thời, tiếp tục bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản và theo yêu cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục