Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục chuyển trạng thái để giảm thiểu tổn thương

18:54' - 12/08/2021
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học, diễn ra ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi.

Nhận định về năm học mới, Bộ trưởng cho rằng, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, do vậy, cần phải nhìn nhận đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Chuyển sang trạng thái bình thường mới là tùy vào từng nơi, từng bối cảnh để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng; chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới trong chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, mục tiêu, phương pháp, cách thức.

Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp.

Trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc Tiểu học.

Thách thức riêng có thể nhìn thấy ở bậc Tiểu học là các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến…

Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, cơ sở vật chất nhiều khó khăn. Ngoài ra, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học… cũng sẽ là thách thức cho bậc học Tiểu học trong năm học mới.

Trước những thách thức đặt ra, Bộ trưởng đề nghị, cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên.

Các giáo viên của chúng ta rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến; do đó cần phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm đó của giáo viên.

Các địa phương cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách và chuẩn bị cơ sở vật chất cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Về kế hoạch năm học, Bộ trưởng lưu ý, các địa phương triển khai kế hoạch sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp.

Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.

Trên cơ sở chương trình chung, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học sớm ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc Tiểu học, ưu tiên giảng dạy những nội dung cốt lõi, căn bản theo hình thức trực tiếp nếu có thể. Đồng thời, cân nhắc về kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục