Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chủ động theo dõi, ứng phó với bão số 10

13:26' - 13/09/2017
BNEWS Bão số 10 là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm trong nhiều năm trở lại đây, khi vào bờ, cấp độ thiên tai là cấp 4 - cấp cao nhất từ trước đến nay.
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) có phạm vi và cường độ lớn, dự báo chiều tối 15/9 đến rạng sáng 16/9, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 13/9, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đánh giá: Đây là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm trong nhiều năm trở lại đây, khi vào bờ, cấp độ thiên tai là cấp 4 - cấp cao nhất từ trước đến nay.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (cấp 5 là mức thảm họa), ông Cường nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cần theo dõi chặt chẽ cơn bão, cung cấp những bản tin cảnh báo, dự báo sát với thực tiễn.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những giải pháp trong ứng phó với bão để nhân dân chủ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Hiện tình hình rất khẩn trương, bão số 10 đổ bộ trong bối cảnh rất đặc thù, lớn nhất trong nhiều năm với phạm vi ảnh hưởng lên tới 500-600 km.

Bộ trưởng đề nghị, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng chỉ đạo, ngay trong chiều 13/9, lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm ngư phải có số liệu báo cáo về lượng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm ở vĩ độ từ 13-19, đặc biệt chú ý sắp xếp phương tiện khi neo đậu, không để người dân ngủ trên tàu gây thiệt hại như cơn bão số 7 năm ngoái.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tiến hành cấm biển để đảm bảo an toàn đới bờ, sắp xếp các phương tiện neo đậu tại bến hợp lý, an toàn.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra thời gian qua, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du; các tỉnh Bắc Trung Bộ khẩn trương thu hoạch lúa đã chín theo phương châm xanh nhà hơn già đồng; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chủ động tiêu thoát nước để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ làm lúa đổ bị ngập chìm trong nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ mực nước sông Hồng ở mức dương 7,7 m và phải vận hành xả lũ tới 4 lần như hiện tại, hầu hết các hồ chứa lớn, nhỏ tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước (Bắc Bộ trung bình đạt từ 75-90% dung tích thiết kế; Bắc Trung Bộ trung bình đạt từ 55-65% dung tích thiết kế; Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trung bình đạt 60-80% dung tích thiết kế).

Các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình đang phải mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La, Thác Bà mở 2 cửa, hồ Tuyên Quang mở 1 cửa. Dự báo, khi mưa lớn, hồ Hòa Bình có thể phải mở tổng 5 cửa, cộng thêm mưa tại chỗ, đây là vấn đề “kinh khủng” cho hạ du nên không được chủ quan.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa, Bộ trưởng yêu cầu tổng kiểm tra lại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và bám sát quy trình xả, khẩn trương có biện pháp khắc phục kịp thời các hồ yếu, đặc biệt tại khu vực miền Trung để đảm bảo an toàn trong việc ứng phó với mưa bão và ổn định cho sản xuất.

Riêng 2 hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La phải phát điện tối đa tất cả 6 tổ hợp cả ngày lẫn đêm; đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ", tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến cơn bão số 10, tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, việc xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.

Thiếu tướng Trương Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc Gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã sẵn sàng để ứng phó với bão số 10 và lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão.

Bộ Tư lệnh Biên phòng đã có Công điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức lực lượng, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ tàu và các phương tiện vào bờ tránh trú an toàn, Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng nhấn mạnh.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn cho biết tình hình thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở từ ngày 9-12/9 trên địa bàn các tỉnh đã làm 1 người chết; 3 nhà bị sập, 97 nhà bị thiệt hại do sạt lở; 2 nhà bị tốc mái; 97,66 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.

Quốc lộ 3B sạt lở 4 vị trí tại Yên Bái, tổng khối lượng sạt lở 9.987m3 đất, đá; Quốc lộ 4C sạt lở 1 vị trí tại Hà Giang với khối lượng sạt lở 30m3 đất, đá. Tỉnh lộ ĐT.258 sạt lở 2 vị trí tại Bắc Kạn, tổng khối lượng sạt lở 14.440 m3 đất, đá; sạt lở 3.150 m3 phía ta luy dương đường tỉnh lộ (Bắc Kạn); tổng thiệt hại ước tính: 4,875 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian từ ngày 9-12/9, báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương cho thấy, do ảnh hưởng của mưa, dông cục bộ làm 1 người chết; 142 nhà bị tốc mái; 102 nhà bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính 2,14 tỷ đồng. Chiều 12/9 nước đã rút hết.

>> Bão số 10 đang mạnh lên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục