Bộ trưởng Nội vụ: Sắp xếp tổ chức bộ máy còn lúng túng

17:02' - 06/07/2022
BNEWS Theo Bộ trưởng, hệ thống thể chế và cơ chế chính sách hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho việc đổi mới sự nghiệp của ngành một cách nhanh, mạnh và đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Ngày 6/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Nội vụ, các địa phương đã nêu lên nhiều giải pháp đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập; giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

 

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ

Thông tin về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn đến năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ Châu Việt Tha cho biết, quy định đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015, nhưng Cần Thơ đã đạt lộ trình vào năm 2019 mà vẫn đảm bảo cân đối số lượng người làm việc để giao bổ sung cho sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục do tăng học sinh, lớp, giường bệnh và thành lập mới.

Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản và cắt giảm đạt 149,42% kế hoạch của giai đoạn 2015 - 2021 (giảm 14,94% so với biên chế giao năm 2015).

Kinh nghiệm được địa phương này đưa ra là xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế để cơ cấu lại đội ngũ viên chức, người lao động cho phù hợp; thẩm định và đề xuất giao số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp hàng năm trên cơ sở vị trí việc làm và định mức quy định; đẩy mạnh thực hiện lộ trình tự chủ tài chính, thông qua việc phê duyệt phương án tự chủ về tài chính, xây dựng danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện đặt hàng…

Nhằm nâng cao chất lượng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tháo gỡ được cơ chế xin ý kiến hiệp y hoặc thỏa thuận.

Bình Định cũng tăng cường đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các sở, ngành cấp tỉnh, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ chiếm 11,95%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 88,04%.

“Trong số 63 phó giám đốc các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh, chỉ có 4 đồng chí được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng 6%, Điều đó cho thấy, việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng”, ông Lê Minh Tuấn nói.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ một số địa phương đã đề nghị Bộ Nội vụ ban hành mới quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công chức, viên chức; sớm thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; nghiên cứu đổi mới phương thức nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp theo chức danh, chức vụ lãnh đạo và theo vị trí việc làm của công chức, viên chức...

Giải đáp một số vấn đề đại biểu đặt ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện chùm nghị định về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, quản lý cán bộ công chức (ban hành năm 2020) đã phát sinh một số vướng mắc trong thực tiễn như thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật, việc bổ nhiệm giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ hay không?... Bộ Nội vụ đã tiếp thu đầy đủ những vướng mắc và tổng hợp trình Chính phủ một nghị định sửa 5 nghị định liên quan đến quản lý cán bộ, công chức.

“Việc có giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ hay không là theo quy định của pháp luật chuyên ngành, không phải theo quy định bắt buộc ở Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Thực tế, Bộ Y tế và một số đơn vị của Bộ này, hoặc một số tỉnh chỉ đạo đồng chí nào giữ hai nhiệm kỳ thì đương nhiên chuyển đổi, trừ quy định của Đảng hoặc Quy định số 98-QĐ/TW về công tác luân chuyển. Giám đốc sở tài chính, hải quan, thuế, kiểm sát thì theo quy định riêng của Đảng…”, Thứ trưởng Trương Hải Long nói.

Về vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, Thứ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Bộ Nội vụ sẽ sớm hoàn thiện nghị định, tiêu chuẩn để trình Chính phủ ban hành, theo hướng nếu công chức đã được bổ nhiệm vào vị trí trong đó xác định ngạch quản lý nhà nước tương ứng, ví dụ bổ nhiệm từ phó vụ trưởng hay phó giám đốc sở thì yêu cầu chỉ cần học quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính. Nếu bổ nhiệm thì đương nhiên được xét nâng ngạch. Cấp vụ trưởng, Thứ trưởng trở lên cũng thực hiện như vậy. Nghị định này sẽ tháo gỡ vướng mắc của một số địa phương về vấn đề xét nâng ngạch, thăng hạng theo vị trí lãnh đạo, quản lý hiện chưa được triển khai.

Giải quyết dứt điểm các vướng mắc

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, toàn ngành đã tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và tạo được những chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ngành Nội vụ đã nghiên cứu, tham mưu nhiều vấn đề lớn trước mắt và lâu dài như:  Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh; Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài; liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện và cấp tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trẻ, cán bộ nữ cho chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương tại nước ngoài…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hệ thống thể chế và cơ chế chính sách hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho việc đổi mới sự nghiệp của ngành một cách nhanh, mạnh và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương còn nhiều lúng túng, khó khăn, vướng mắc và có dấu hiệu trùng xuống, một số địa phương, đơn vị chưa quyết tâm, chưa quyết liệt. Vì vậy, đến hết năm 2021, nhiều chỉ tiêu không đạt được, như số đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn mới đạt 6%, khó có thể đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ.

Xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm của công chức, viên chức vẫn còn rất chậm. Kỷ cương, kỷ luật của một số địa phương, đơn vị về quản lý công chức, viên chức còn chưa tốt.

“Nổi lên nhất, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề căn cốt về cơ chế, thể chế còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực của ngành, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ.

Bà đề nghị các bộ, ngành rà soát các quy định, cuối tháng 7 này, Bộ Nội vụ sẽ họp, phối hợp với các bộ để thống nhất khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc. “Cái gì chúng ta cũng giao cho địa phương, nhưng địa phương lại vướng ngay vào thể chế và cơ chế của chúng ta trong vận hành, từ việc hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, người đứng đầu ngành Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương vừa quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực của ngành, vừa giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để khơi thông các điểm nghẽn cho sự phát triển chung của đất nước và của từng địa phương. Theo đó, tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế trong kế hoạch của năm 2022.  Nếu làm tốt được hệ thống thể chế, sẽ giải quyết được 2/3 vướng mắc của các địa phương, thay đổi được những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và tạo sự đột phá cho lĩnh vực ngành Nội vụ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng lưu ý toàn ngành tiếp tục tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung hoàn thành việc sắp xếp các tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gắn với việc hoàn thành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan được Chính phủ, căn bản xong trong tháng 7/2022.

Các địa phương tập trung rà soát, tiếp tục sắp xếp các đầu mối đơn vị sự nghiệp để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. “Đây là nhiệm vụ chính trị, bám vào Nghị quyết 19-NQ/TW để thực hiện, chúng ta không thể có bất kỳ một lý do nào khác ngoài việc chấp hành và thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng. Các đồng chí phải cố gắng, trong cái khó lại có những cái mới, càng khó, càng nghĩ, càng sáng tạo, linh hoạt để chúng ta có thể thực hiện trên thực tiễn. Bây giờ cứ dồn ép về vấn đề biên chế như này thực sự là Trung ương cũng rất khó khăn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết, Bộ Chính trị đã phân cấp về quản lý biên chế cho địa phương, Ban Thường vụ chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về việc quản lý biên chế. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất toàn bộ quy định. Việc giao biên chế sẽ được giao một lần cho cả 5 năm, những vấn đề phát sinh liên quan đến biên chế giáo viên sẽ giao bổ sung, nhưng cũng quy định rất chặt chẽ, không phải “đề nghị bao nhiêu thì giải quyết bấy nhiêu, vẫn phải đảm bảo giảm 5% biên chế công chức và giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với viên chức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục