Bộ trưởng Tài chính: Nợ công vẫn trong giới hạn cho phép

14:51' - 16/11/2017
BNEWS Theo Bộ trưởng Tài chính, nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN
Là Tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của cử tri tại Kỳ họp thứ 4, sáng 16/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý thuế, hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững và giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. 

*Nợ công trong giới hạn cho phép 

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là giải pháp tăng cường quản lý nợ công. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề nợ công hiện là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần cho phép, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. “Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết, giải pháp quản lý rủi ro?", đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi. 

Cùng chung mối quan tâm về nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, trong những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay tăng nhanh. Năm 2010. “Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, Bộ trưởng có giải pháp gì để quản lý an toàn nợ công nhưng vẫn bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển?”, đại biểu nêu quan điểm. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giai đoạn 2011 – 2015, nợ công tăng bình quân một năm 18,4%, đến năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%, nợ công đang được kiểm soát chậm lại. Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, như báo cáo Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công; trình Bộ Chính trị thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm trong đó có chỉ tiêu trần nợ công; hoàn chỉnh Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). 

Theo Bộ trưởng, nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép; bước đầu kiểm soát được tốc độ gia tăng, thực hiện được kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu. Đây là công việc rất quan trọng, nếu như năm 2011, kỳ hạn phát hành trái phiếu là 3,9 năm thì đến năm 2016, kỳ hạn phát hành là 5 năm trở lên và 10 tháng năm 2017, kỳ hạn phát hành trái phiếu trong nước là 12,57 năm. Lãi suất theo hướng giảm dần, nếu như năm 2011, lãi suất là 12,01%/năm thì đến năm 2016 còn 6,48%/năm và 10 tháng năm nay thì lãi suất còn 6,04%/năm, giảm một nửa. Danh mục nợ trái phiếu Chính phủ cũng được cải thiện. 

Cũng theo Bộ trưởng, nợ trong nước hiện tại là gần 61% trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài còn trên 39%. Cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ cũng đã thay đổi rất lớn. Nếu như năm 2015 - 2016, cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ ở hệ thống ngân hàng thương mại là 78,9% thì đến nay còn 54%, đã phát triển mạng lưới thông qua các quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ đầu tư,… “Vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công nhưng bước đầu thì kết quả cũng như các giải pháp chúng ta đang triển khai là đúng, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến việc chi tiêu hiệu quả của nợ công”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) giơ biển tranh luận. Theo đại biểu Tuấn, điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công, “nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu”. Đại biểu phân tích, khi đầu tư công không hiệu quả sẽ gây thiệt hại kép. Nhà nước phải trả tiền gốc, tiền lãi, trả bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư không hiệu quả như trường hợp 12 dự án "đắp chiếu" vừa qua. Việc này gây đội vốn đầu tư, thất thoát ngân sách, tác động xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm hiệu quả đầu tư công. 

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, chất lượng, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công, tuy nhiên đây là vấn đề quản lý Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương. Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang triển khai việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công. 

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở Trung ương và địa phương. Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, có hơn 20 nghìn dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn. Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định sau đó được luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách. 

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư hợp lý. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H'Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân khiến hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao là do việc triển khai đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuận lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật này. 

* Ngân sách Nhà nước "đội nón ra đi" do buôn lậu, gian lận thương mại 

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra nhức nhối, ngân sách Nhà nước một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách nhiều tỷ đồng, trong đó có sự tiếp tay của cán bộ hải quan, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đặt câu hỏi về trách nhiệm của bộ trưởng và lãnh đạo ngành hải quan khi để xảy ra các vấn nạn này, nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này. 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính kiên quyết chống tình trạng tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Vụ 213 container biến mất xảy ra tại cảng Sài Gòn mà báo chí nêu là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra. Vụ việc hải quan An Giang bắt 46 cán bộ hải quan, cũng là vụ việc Bộ Tài chính chỉ đạo và phối hợp với Bộ Công an điều tra ra. Hàng năm, Bộ tiến hành xử lý nội bộ, kỷ luật khoảng 300 cán bộ thuế, hải quan liên quan đến thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quy trình thủ tục về mặt hành chính. 

Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng đây chính là suy thoái trong đội ngũ, trong lực lượng và Bộ quyết liệt triển khai xử lý. Qua đây, rà soát lại quy trình thủ tục, chế độ chính sách. Chẳng hạn như vụ An Giang bắt 46 cán bộ hải quan, Bộ đã báo cáo Chính phủ sửa chính sách, không cho hoàn thuế nông, lâm, thủy sản qua chế biến. 

Đề cập đến vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, làm thất thu ngân sách nhà nước, đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn về giải pháp để khắc phục tình trạng này. 

Bộ trưởng Tài chính thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư. 

Cùng với viêc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn thuế 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, hoàn thuế và phạt là 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ 6.812 tỷ đồng, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để triển khai đồng bộ. “Không phải đơn thuần là trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới chuyển giá mà ngay từ khâu đầu tư, doanh nghiệp đã chuyển giá. Thiết bị, máy móc giá rẻ kê khai giá cao, đưa vào để sau này trích khấu hao. Trong quá trình sản xuất đầu vào kê khai cao giá, đầu ra giảm giá, chuyển giá”, Bộ trưởng phân tích một số hành vi chuyển giá và cho biết từ khâu đăng ký đầu tư, đến triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh đều có thể triển khai chuyển giá nên cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành. 

*Chính phủ không cho phép tăng trần nợ công 

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến vấn đề nợ công hiện nay và các giải pháp bảo đảm an toàn nợ công. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2015, nợ công đã đến sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép… Đại hội Đảng XII đánh giá nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016- 2020. “Chúng ta đứng trước nhiệm vụ kép của giai đoạn 2016-2020, vừa đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết yếu kém nội tại của nền kinh tế tích tụ nhiều năm càng ngày càng bộc lộ rõ”, Phó Thủ tướng nói. 

Trong điều kiện chính sách tài khóa còn rất chật hẹp, kinh tế thế giới và khu vực cũng còn nhiều khó khăn, đây là một vấn đề nan giải đặt ra cho toàn thể hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đó, chọn chính sách như thế nào?. Phó Thủ tướng cho biết, nhiều thành viên Chính phủ, chuyên gia và đại biểu Quốc hội khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương, trình Quốc hội nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi đất nước còn nghèo, nhu cầu phát triển rất lớn, đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. 

Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ bao gồm trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. “Do đó, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thay cho việc xin nới trần nợ công, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án về cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Theo Phó Thủ tướng, đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. 

Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết Trung ương IV và V (khóa XII), Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Trong đó có các chỉ tiêu cụ thể là: tỷ lệ huy động vào ngân sách quốc gia phấn đấu khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu của giai đoạn này là khoảng 1,65 lần so với giai đoạn trước. Cơ cấu lại các khoản thu về ngân sách trong đó giảm thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và tăng thu nội địa. Chi ngân sách phải giữ trong mức 24 - 25% GDP, trong đó phấn đấu chi đầu tư phát triển là 24 - 25%, chi thường xuyên dưới 64% và giảm dần bội chi đến năm 2020 là khoảng 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 là không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến quan điểm thực hiện chủ trương này là phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả, toàn diện và công bằng, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đặt ra là phải coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Kết hợp giải quyết hài hòa các vấn đề quan trọng cấp bách trước mắt, các vấn đề căn cơ và lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; tăng cường công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình nhất là đối với người đứng đầu trong vấn đề thu chi ngân sách, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công; hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng “xin – cho”. 

Thông tin thêm về một nhóm giải pháp mà Chính phủ thực hiện từ nay đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kiên định phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước; Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Đây là giải pháp hàng đầu, giải pháp của mọi giải pháp. 

Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu phát triển nhanh, bền vững. “Tôi tán thành với quan điểm vay nợ thế nào không quan trọng, mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay”, Phó Thủ tướng nêu. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, một giải pháp nữa là cần tuyên truyền sâu rộng, tạo ý thức chấp hành nghĩa vụ của người nộp thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý nợ công. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia theo một số trọng điểm. Hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế. Tăng cường chống thất thu, gian lận thuế, giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất. 

Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tăng cường biện pháp để chống chuyển giá. Đối với thuế nội địa, tăng cường quản lý thuế đối với khu vực phi chính thức, thực hiện hóa đơn điện tử; từng bước cơ cấu chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý nợ công; tập trung cơ cấu lại cơ cấu nợ công, giảm vay nước ngoài, giảm nợ Chính phủ bảo lãnh. Vì thế nợ công đã tốt hơn, giảm còn 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục