Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thập niên mới

07:46' - 28/01/2020
BNEWS TTXVN xin giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà “Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thập niên mới nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của TS Trần Hồng Hà,Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, với tựa đề “Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thập niên mới nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Bài viết dành riêng cho cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" do TTXVN xuất bản, mua bản quyền của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate. Toàn văn nội dung như sau:
* Yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính từ góc độ tài nguyên và môi trường
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao ở mức trên 7%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới.

Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%.

Tuy nhiên, với quy mô dân số hiện nay là hơn 96 triệu người và đạt khoảng 104 triệu vào năm 2030 và đang là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực, nếu tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế tuyến tính, khả năng cung ứng của các nguồn tài nguyên và sức chịu tải của môi trường của Việt Nam sẽ chạm tới giới hạn.
Theo kết quả điều tra, đánh giá, hiện nay trên cả nước khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 24.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện khoảng 15 triệu tấn tro xỉ/năm.
Tiêu thụ năng lượng trong nhiều năm trở lại đây tăng nhanh khiến kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng.

Nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá từ năm 2015 chúng ta đã phải nhập khẩu than đá, trong đó năm 2018 là khoảng 22,9 triệu tấn; dự báo tới năm 2030, nước ta có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm.

Ngoài than đá thì Việt Nam còn phải liên tục tăng nhập khẩu dầu thô, thậm chí sắt thép, các kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu cho dệt may và da giày.
Tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn; hiệu quả sử dụng nước còn ở mức thấp mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Philippin 2,58 USD.

Ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng: Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013.

Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đó là chưa tính tới ô nhiễm đất, và suy thoái đất đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là nghề truyền thống bao năm qua của phần lớn người dân Việt Nam.

Một số năm gần đây, các sự cố môi trường từ việc xả thải của các nhà máy, như các vụ việc của Nhà máy Vedan, Công ty Formosa Vũng Áng, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình,… gây thiệt hại lớn tới hệ sinh thái những khu vực bị ô nhiễm.

Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Năm 2010, biến đổi khí hậu và thiên tai đã gây thiệt hại 5,14% GDP của Việt Nam và con số này có thể lên tới 11% vào năm 2030.
*Phát triển kinh tế tuần hoàn, giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước
Để giải quyết các thách thức đã dự báo, phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu nhằm giải quyết thách thức về cạn kiệt tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
+Kinh tế tuần hoàn và những lợi ích
Từ giữa thế kỷ XX, gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng đã làm gia tăng mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính[1], nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách để tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, trên thế giới bên cạnh các mô hình: kinh tế xanh[2], kinh tế phát thải các-bon thấp[3], kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.
So với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, cụ thể là:
Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với xã hội: Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; bảo vệ sức khoẻ người dân.
Đối với doanh nghiệp: kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung,...
+Thuận lợi và thách thức về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Trên phạm vi toàn cầu: Các Hiệp định, Thoả thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong xu thế chủ đạo. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Viện Tài nguyên Thế giới, Philips, Quỹ Ellen MacArthur, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và hơn 40 đối tác đã khởi xướng Diễn đàn Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn với các sáng kiến đẩy mạnh mô hình kinh tế này, bao gồm: tăng cường các mô hình tài chính hỗn hợp thúc đẩy các dự án kinh tế tuần hoàn ở các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi; tạo các khung chính sách để tháo gỡ rào cản để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn; và thúc đẩy đối tác công – tư cho kinh tế tuần hoàn.
Nhiều quốc gia trên thế giới, gồm Liên minh châu Âu (đi đầu là Hà Lan, Đức, Phần Lan và Đan Mạch), Canada và Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang phát triển kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển mô hình kinh tế của các quốc gia này cũng như tận dụng các cơ hội hợp tác về tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, công nghệ thông tin hiện đại hiện có và sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Ở trong nước: Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng[4].
Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy, … trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ…

Mặc dù còn nhiều hạn chế, như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn.

Chính vì vậy, các chiến dịch về bảo vệ môi trường như chống rác thải nhựa đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước tích cực hưởng ứng và tham gia.

Vì vậy, đã hình thành một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…); Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam.

Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Về thách thức, có thể thấy, Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.
*Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.

Ngay từ những năm đầu của thập niên 2020-2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, cụ thể là:
Một là, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế.

Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Ban hành các tiêu chí trong lựa chọn, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện, sức chịu tải của môi trường. Thực hiện mua sắm công xanh, hỗ trợ hoạt động tái chế.
Hai là, thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như: điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.
Trước mắt, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình trọng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải.
Ba là, lập quy hoạch các khu tái chế, xử lý chất thải có tính liên vùng trong quy hoạch bảo vệ môi trường để nâng hiệu quả đầu tư, xử lý đồng bộ với công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn; xây dựng dữ liệu thống kê về lượng phát thải, khối lượng các sản phẩm thải bỏ để thu hút các nhà đầu tư.
Bốn là, thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Năm là, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn cần thay đổi về tư duy, thiết kế mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng: tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua cung cấp các dịch vụ nâng cấp, làm mới và thiết kế lại sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ thông tin (Internet kết nối vạn vật, Dữ liệu lớn), trong quản lý nguồn thải và công nghệ sinh học xử lý rác thải; ứng dụng công nghệ thiết kế hiện đại giảm tiêu hao vật liệu và tài nguyên; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm./.
[1] Kinh tế tuyến tính là mô hình kinh tế khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường.


[2] Kinh tế xanh là“nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”(theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP).

[3] Kinh tế các-bon thấp là hệ thống nhằm mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong khi hoạt động như một chương trình kinh tế cụ thể, với mục tiêu chính là ứng phó với BĐKH.

[4] Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP); năm 2017, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025.

Ngay sau Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục