Bộ trưởng Xây dựng: Xử lý dứt điểm vi phạm ở toà 8B Lê Trực và HH Linh Đàm

19:04' - 04/06/2019
BNEWS Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn về quy hoạch đô thị, quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp và các cơ quan trong nội thành Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN 

Chiều 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng. Nhiều câu hỏi liên quan đến phát triển, quy hoạch đô thị, việc di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan trong khu vực nội thành Hà Nội... đã được đại biểu đặt ra cho "Tư lệnh" ngành xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành chất vấn.
*Kiểm soát phát triển, quy hoạch đô thị
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Nhiều năm qua, tình trạng phát triển tràn lan các khu đô thị không có người ở, khu đô thị không bảo đảm chất lượng xây dựng, không đúng quy hoạch, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có nhà trẻ, phòng khám, siêu thị.

Các nhà siêu mỏng, siêu méo trên những con đường mới mở làm mất an toàn, mỹ quan đô thị không được khắc phục.

Trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành xây dựng đối với vấn đề này như thế nào. Bộ trưởng có những giải pháp gì và lộ trình thế nào để giải quyết những bất cập nói trên. Người dân và Quốc hội cần chờ thời gian bao lâu để tình trạng nêu trên được giải quyết một cách căn bản?”
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Hiện Việt Nam có 828 đô thị với tốc độ đô thị hóa đạt 38,5%.

Các đô thị được phát triển một cách nhanh chóng. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Khu vực đô thị đã và đang chiếm tỷ trọng chi phối trong tất cả các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, lĩnh vực phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, tồn tại do có nguyên nhân từ quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thời gian qua, quy hoạch đô thị là công cụ chủ yếu và hữu hiệu nhất để quản lý quá trình phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng ở đô thị.

Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch đô thị bộc lộ những hạn chế như chất lượng quy hoạch còn thấp; một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó dẫn tới các tính toán sai về cấu trúc không gian của tổ chức đô thị cũng như các chỉ tiêu về hạ tầng và các chỉ tiêu khác.

Điều này dẫn tới những dự án đầu tư thiếu căn cứ trên quy hoạch.
Bên cạnh đó, chất lượng đồ án quy hoạch còn thiếu một số điều kiện cụ thể để thực hiện quy hoạch.

Bộ trưởng nêu ví dụ: việc đưa ra nhiều nguồn lực cho đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ với các công trình khác, nguồn lực cho giải phóng mặt bằng và công tác giải phóng mặt bằng còn hết sức phức tạp.

Ngoài ra, chất lượng quy hoạch cũng thấp do yếu tố hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức đơn giá về kinh tế kỹ thuật xây dựng cũng lạc hậu nên công tác tính toán quy hoạch có sai sót.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khâu tổ chức thực hiện quy hoạch hiện còn một số hạn chế.

Cùng với đó là việc xây dựng kế hoạch quy hoạch còn sơ sài, việc tổ chức cắm mốc trên thực địa, công khai quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch kiến trúc sau đồ án quy hoạch còn hạn chế. Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương tuy có cố gắng nhưng còn hạn chế trong việc kiểm soát trật tự xây dựng ở đô thị.

Chính vì vậy, đã xảy ra một số tình trạng xây dựng khu nhà cao tầng trong nội đô, xây dựng một số khu đô thị nhưng không đi kèm quy hoạch hạ tầng xã hội.

Khi giải phóng mặt bằng, việc không thực hiện triệt để các quy định, những nhà còn lại diện tích không đủ để xây dựng nhưng vẫn cho làm, dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trong đô thị.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, các quy định pháp luật; chưa kịp thời đánh giá, theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trên thực tế tại các địa phương; một số nội dung thực tiễn đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện để cập nhật, bổ sung theo quy định; chưa thật sự phối hợp quản lý với các địa phương tăng cường trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, đôn đốc và thực hiện.

Ông cũng thừa nhận có trách nhiệm trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả một số việc theo nhiệm vụ quy định pháp luật giao cho Bộ Xây dựng như: Thẩm định một số dự án, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức đánh giá....

Một bộ phận đội ngũ cán bộ chưa nêu cao được tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân...
Nêu một số giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; kiểm soát việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền công bố công khai quy định pháp luật về quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện và giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
*Xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và khu chung cư HH Linh Đàm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN 

Chất vấn về tình trạng xử lý vi phạm quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn lúng túng, bị động và chưa nghiêm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và các giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, cam kết của Bộ trưởng trong việc kết hợp với UBND thành phố Hà Nội trong việc xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và khu chung cư HH - Khu đô thị Linh Đàm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện đã có tương đối đầy đủ quy định pháp luật để xử lý hiệu quả các vấn đề về quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.

Thời gian qua, các địa phương có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý và hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Năm 2016, số công trình vi phạm là 15.593 công trình, trong đó có 7.308 công trình không phép, 5.164 công trình sai phép.

Đến năm 2018, chỉ có 10.608 công trình sai phạm, trong đó, có 3.012 công trình không phép, 5.331 công trình sai phép.

Bộ trưởng cho rằng, tỷ lệ vi phạm có giảm theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn ở mức cao và là vấn đề gây ra những lệch lạc trong quy hoạch xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân và cử tri.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại ở công tác này như: Quy định quản lý cơ bản đủ nhưng còn một số nội dung bất cập; quy trình, thủ tục xử lý vi phạm còn phức tạp, thiếu khả thi, chưa đồng bộ; số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng đã giảm qua từng năm nhưng còn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân dẫn đến tồn tại này là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đất đai, trật tự xây dựng, mô hình thanh tra đô thị còn có điểm chưa hợp lý, chưa thực sự gắn kết với chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra còn mỏng, một bộ phận cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực. Nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện rồi nhưng chưa xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng với UBND thành phố Hà Nội về tòa nhà 8B Lê Trực và khu chung cư HH tại Khu đô thị Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, hai vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội.

Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, UBND thành phố Hà Nội đang thực hiện khống chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép.
“Hiện nay, có một vấn đề, khi cưỡng chế tầng theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng phá dỡ phần theo chiều dọc có liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình.

Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội sử dụng những đơn vị của Bộ như Viện khoa học công nghệ để giúp Hà Nội để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án phá dỡ tốt hơn”,Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Về khu chung cư HH ở Khu đô thị Linh Đàm Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn, “vi phạm có rồi, trách nhiệm xử lý thuộc về Hà Nội, không phải của Bộ Xây dựng”.

Tranh luận lại vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, vấn đề này hầu như trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, cụ thể là thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, điều mà cử tri quan tâm là vấn đề vi phạm tại công trình HH Khu đô thị Linh Đàm bao giờ được xử lý.
“Trong thảo luận tổ, nhiều đại biểu là lãnh đạo địa phương có phản ánh, việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương là rất yếu.

Có khó mới hỏi các bộ, mà các bộ cứ trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là còn gây khó hơn cho địa phương”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Dũng trả lời với cử tri và Quốc hội việc cam kết xử lý vi phạm đối với hai công trình trên.
*Tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở nhà nước

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN  

Quan tâm đến vấn đề di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và của ngành khi để xảy ra tình trạng tiến độ di dời chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao cho Thủ đô Hà Nội để quản lý theo quy hoạch, chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, y tế, đào tạo, dạy nghề ra ngoài khu vực nội đô đã được quy định tại Luật Thủ đô, quy định tại quy hoạch chung của thành phố Hà Nội theo Quyết định 130.

Quyết định này quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành. Ví dụ, thành phố Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài nội thành. Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cho các cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội.

Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lập danh mục, tiêu chí, lộ trình các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề cần di dời...

Tuy nhiên, đến nay, một số công tác liên quan còn rất chậm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành cơ sở lập danh mục tiêu chí các cơ sở đào tạo, dạy nghề.
Chưa bằng lòng với câu trả lời trên, đại biểu Trần Thị Dung thực hiện quyền của mình để tranh luận lại. Theo đại biểu, Luật Thủ đô đã được thông qua năm 2012.

Một trong những quy định không đi vào cuộc sống là di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô. Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng nhưng trên thực tế, nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất này.

9 cơ quan đã được bố trí quỹ đất di dời ra ngoài nội đô thì có 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở văn phòng cao tầng, không khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, chưa có cơ sở giáo dục nào di dời ra ngoại thành vì chưa có cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí chưa được giao đất.

Sự chậm trễ này gây ra những hệ lụy về quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, đi ngược mục tiêu ban đầu đề ra khi thực hiện di dời.
“Như vậy là có trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ theo quy định chi tiết hướng dẫn Luật Thủ đô, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục