Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Chỉ ra tồn tại trong quy hoạch đô thị

15:07' - 04/06/2019
BNEWS Với 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần, quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị là nội dung được đưa vào chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 4/6

Theo báo cáo giám sát chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị là một trong những nội dung được đưa vào chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 4/6.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng điều chỉnh quy hoạch diễn ra phổ biến tại các đô thị lớn – nơi có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất.

Cùng đó, diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật giảm hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch giá trị tài sản, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh một số mặt tích cực, quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Các nhược điểm lớn được chỉ ra như: việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi; điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị...

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Cùng đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019.

Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển cũng được bổ sung, hoàn thành trước năm 2020. Bên cạnh đó là đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành trong năm 2019.

Quy hoạch xây dựng là công cụ giúp Bắc Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế xã hội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN 

Hiện các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng cũng được chú trọng và quy định thực hiện bắt buộc đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Các chuyên gia nhận xét, thời gian qua, đô thị Việt Nam chủ yếu phát triển trên cơ sở quy hoạch chung. Dự án có quy hoạch chi tiết 1:2000, sau đó lại lập quy hoạch chi tiết 1:500. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu vẫn thiếu nên các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ; kết nối hạ tầng giữa các khu dự án khó khăn.

Hơn nữa, hạ tầng xã hội của một khu vực phát triển chưa được quan tâm. Trong một dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu, thiếu hạ tầng của vùng, nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng.

Tại nhiều nơi, việc phát triển đô thị thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị cũng như điều lệ quản lý, thậm chí khâu thiết kế đô thị còn lúng túng. Đó là chưa kể, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị.

Đáng chú ý, quản lý thực hiện quy hoạch nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương và phân cấp quá nhiều cho địa phương cũng dẫn đến những hạn chế.

Phối cảnh khu đô thị mới Phú Mỹ nằm trên địa bàn phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Dõng (thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là dự án Khu đô thị mới đầu tiên của HUD triển khai tại địa bàn miền Trung. Ảnh: HUD

Một trong những giải pháp từng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề cập đến là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương; đẩy mạnh quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị.

Đặc biệt, việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến hoàn thiện trong năm 2019 sẽ giúp tăng tính giám sát của xã hội trong lĩnh vực này.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) Nguyễn Thành Hưng khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch là bình thường và cần thiết. Quy hoạch là dự báo cho cả quá trình với thời gian dài, từ 10-20 năm, thậm chí lâu hơn nên không thể khẳng định chắc chắn là quy hoạch sẽ ổn định và hợp lý trong suốt cả quãng thời gian đó. Mặc dù việc điều chỉnh quy hoạch là bình thường nhưng phải xét từng trường hợp cụ thể và toàn diện trên các yếu tố. Hiện nay có nhiều quy hoạch điều chỉnh vấp phải sự phản đối của người dân.

Hiện trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị cũng đã nói rất rõ về các yêu cầu liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch và phải được đáp ứng. Mục tiêu đặt ra vẫn tránh tối đa việc điều chỉnh cục bộ. Khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch vẫn buộc phải tuân thủ các chỉ tiêu trong quy hoạch. Khi đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn được xem như những rào chắn cuối cùng. Như vậy, hành lang pháp lý đã rất sẵn sàng – ông Hưng bày tỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục